Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội đi đầu về xây dựng Hội Nông dân trong bối cảnh đô thị hóa

Bạch Thanh 22/12/2023 - 10:42

Thời gian qua, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, công nghệ cao…, “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) ở Thủ đô đã có nhiều bước phát triển nổi trội. Tuy nhiên, vấn đề đô thị hóa cũng tác động không nhỏ đến đời sống nông dân.

Từ đó, đòi hỏi các cấp Hội Nông dân thành phố không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân, trở thành mô hình điểm của cả nước về xây dựng tổ chức Hội, nhất là trong tình hình đô thị hóa. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa nhân Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028).

4 điểm nhấn

- Phát triển Hội trong quá trình đô thị hóa, các cấp Hội Nông dân thành phố có nhiều nỗ lực và đạt kết quả khả quan ra sao?

- Theo tôi, kết quả đạt nhiều nhưng có 4 điểm nhấn quan trọng:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Qua 5 năm (2018-2023), các cấp Hội đã tổ chức 24.752 buổi tuyên truyền cho 2.705.200 lượt người.

Hội Nông dân thành phố lập trang Fanpage từ thành phố tới cơ sở. Đến nay, đây là kênh tuyên truyền hiệu quả, thông tin nhanh, thu hút nhiều cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Ngoài ra, các nhóm thông tin, điều hành công việc trên ứng dụng Zalo, mạng xã hội phát huy hiệu quả cao, giúp triển khai nhiệm vụ của Hội đến hội viên, nông dân...

cthnd-hn.jpg
Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa.

Thứ hai, các cấp Hội tập trung chỉ đạo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tổ chức thực hiện các chương trình, đề án về nâng cao chất lượng hoạt động của Hội các cấp.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở Hội và chi hội được nâng lên; công tác vận động xây dựng quỹ hội tăng trưởng cao. 100% cơ sở hội và chi hội có quỹ hoạt động với tổng số nguồn quỹ đạt 99,963 tỷ đồng (tăng 32,863 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ). Đến nay, các huyện, thị xã đã thành lập và ra mắt 232 chi hội nông dân nghề nghiệp với 5.813 hội viên tham gia; 1.852 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 22.584 hội viên tham gia.

Thứ ba, công tác tập hợp, thu hút, phát triển, nâng cao chất lượng hội viên được tiến hành thường xuyên, bảo đảm thực chất hơn. Trong đó chú trọng thu hút, tập hợp hội viên nông dân trẻ, hội viên trí thức, các chủ trang trại, nông trại, gia trại, doanh nghiệp vào tổ chức Hội.

Thứ tư, các cấp Hội đã tích cực tham mưu tăng trưởng nguồn vốn vay, quỹ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Trong nhiệm kỳ qua, tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân đạt 223,209 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 6,7%, vượt chỉ tiêu Đại hội IX. Các cấp Hội đã triển khai cho 157 dự án vay vốn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã và 499 dự án xây dựng các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp với số tiền 496,307 tỷ đồng cho 11.368 hộ vay từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố quản lý.

Qua đó vừa tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, vừa hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, đồng thời nâng cao uy tín của tổ chức Hội, thu hút nhiều hội viên tham gia.

ct-hnd6.jpg
Nông dân huyện Hoài Đức phát triển nhiều sản phẩm miến dong chất lượng cao.

Thủ đô có hơn 1,3 triệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi

- Đồng chí có thể chia sẻ thêm về việc tập hợp hội viên trong các phong trào của Hội Nông dân thành phố?

- Thời gian qua, Hội Nông dân Hà Nội luôn đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng về cơ sở.

Điển hình là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" và có 1.350.310 lượt hội viên đăng ký tham gia phong trào. Tỷ lệ hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp bình quân đạt gần 67% so với số hộ hội viên đăng ký. Thông qua phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hội phối hợp vận động, hướng dẫn hỗ trợ thành lập được 2.305 mô hình kinh tế gia trại, trang trại với 31.008 hộ hội viên tham gia; phối hợp vận động, hướng dẫn hỗ trợ thành lập 98 hợp tác xã và 1.135 tổ hợp tác với 13.700 thành viên trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, kinh doanh dịch vụ.

Nhiều địa phương có sáng tạo, đa dạng mô hình tập hợp, thu hút phát triển phong trào như thành lập “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế”... với hàng nghìn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tham gia, góp phần đẩy mạnh phong trào ở các địa phương...

ct-hnd7.jpg
Nông dân Hà Nội tham gia nhiều phong trào, trong đó có phong trào bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, hiến đất làm đường, tổ chức sản xuất xanh, sạch, an toàn… đã có tác động lớn, thay đổi đời sống nông thôn theo hướng văn minh. Nhờ đó, uy tín, chất lượng của tổ chức Hội được chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao.

- Với những kết quả tích cực, bài học kinh nghiệm của Hà Nội về nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân trong điều kiện đô thị hóa là gì?

- Kinh nghiệm của Hà Nội trước hết cần khẳng định là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với Hội Nông dân cùng cấp là nhân tố quyết định.

Tiếp đến là sự đoàn kết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp; nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu tổ chức Hội các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, chất lượng phong trào nông dân.

ct-hnd5.jpg
Sản phẩm áo dài truyền thống Trạch Xá của Hội Nông dân huyện Ứng Hòa được đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội thường xuyên làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ từ thành phố đến cơ sở. Trong công tác vận động nông dân, mỗi cán bộ Hội sâu sát, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, thực sự là người bạn đồng hành với nông dân, hiểu nông dân, biết lắng nghe, biết học hỏi, biết làm nông dân chuyên nghiệp.

Hội Nông dân thành phố luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với điều kiện thực tế, phù hợp đặc thù, định hướng phát triển kinh tế của địa phương là cơ sở thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước, phong trào nông dân; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; hướng mạnh về cơ sở, kịp thời nắm bắt, giải quyết bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nông dân, chăm lo bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nông dân; lấy sự hài lòng và tỷ lệ tham gia của hội viên nông dân trong các hoạt động do Hội tổ chức làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân.

Khơi dậy khát vọng vươn lên của nông dân

- Thời gian tới, dự báo, người làm nông nghiệp giảm do chuyển đổi cơ cấu lao động và có tình trạng nông dân không tham gia sinh hoạt Hội do xu thế già hóa dân số... Vậy, giải pháp của Hội là gì, thưa đồng chí?

- Chúng tôi xác định tình hình trên sẽ tạo ra cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Do vậy, giai cấp nông dân và tổ chức Hội thời gian tới tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân tham gia tổ chức Hội trên cơ sở phát huy giá trị cốt lõi, khơi dậy khát vọng vươn lên của nông dân; tiếp tục xây dựng giai cấp nông dân Thủ đô vững mạnh, nông dân Hà Nội thanh lịch, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, kỷ cương; khơi dậy ý chí, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại...

ct-hnd3.jpg
Trong quá trình đô thị hóa, nông dân xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) đẩy mạnh xây dựng mô hình trồng hoa công nghệ cao.

Hội tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu xác định nhiệm vụ, hoạt động của Hội các cấp theo hướng tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp đặc thù từng cấp, từng địa phương và trình độ của hội viên, nông dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của Hội Nông dân các cấp, đặc biệt là hoạt động Hội ở những nơi đặc thù tốc độ đô thị hóa nhanh, địa bàn đô thị vẫn có hộ nông dân sản xuất.

Cùng với đó là tập trung phát triển mạnh hệ thống chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân; đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, thu hút thành phần trí thức trẻ, nhà khoa học, doanh nhân, giám đốc các hợp tác xã; khuyến khích, ưu tiên cán bộ trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp tham gia sinh hoạt tại các chi hội, tổ Hội Nông dân.

Tập trung quan tâm bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ, kỹ năng cho các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc đủ năng lực phấn đấu trở thành chủ tịch, giám đốc hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, trở thành hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân", tạo bước đột phá trong xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp, tay nghề cao...

ct-hnd2.jpg
Một trong những nhiệm vụ là Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá nông sản cho nông dân trên địa bàn Thủ đô.

Mặt khác, Hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số, khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân…

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đi đầu về xây dựng Hội Nông dân trong bối cảnh đô thị hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.