(HNM) - Hà Nội hiện có gần 80 vạn người có công với cách mạng, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước. Để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc toàn diện đến lực lượng này. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành sẽ chia sẻ thêm với bạn đọc về vấn đề trên.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành. |
Tham mưu trúng, triển khai kịp thời
- Thời gian qua, Hà Nội đã làm gì để thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, thưa ông?
- Để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và thân nhân của họ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội đã tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách liên quan khác. Sở LĐ-TB&XH cũng tham mưu, kiến nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xây dựng, ban hành nhiều chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô.
Trên cơ sở đề xuất, tham mưu của ngành, năm 2012, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết hỗ trợ công tác điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công từ 5 năm xuống 2 năm/lần; mức phụng dưỡng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được điều chỉnh từ 400 nghìn đồng, lên 500 nghìn đồng/người/tháng và hiện nay tăng lên từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/người/tháng. Thành phố cũng đã ban hành các văn bản thực hiện thống nhất chính sách ưu đãi người có công như: Chính sách hỗ trợ các ban liên lạc tù chính trị của thành phố; trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày không hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thanh niên xung phong không có khả năng lao động, sống cô đơn (mức 350 nghìn đồng/người/tháng)…
- Chính sách đúng mà triển khai không trúng cũng khó đạt hiệu quả. Ông có thể cho biết, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai các chính sách ưu đãi thế nào để giúp người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời?
- Đúng vậy! Chính sách sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống khi được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Nhận thức rõ điều này, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã thường xuyên thống kê, rà soát, đánh giá mức sống của các gia đình chính sách, đưa ra hướng hỗ trợ phù hợp với từng gia đình.
Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ được Hà Nội triển khai theo quy trình nghiêm ngặt. Danh sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công hằng năm do ngành LĐ-TB&XH và các địa phương rà soát, thống kê từ cuối năm trước. Trong đợt rà soát năm 2016, các địa phương đề xuất danh sách hơn 7 nghìn hộ cần được hỗ trợ về nhà ở. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 7-10-2016 và Quyết định số 5716/QĐ-UBND ngày 13-10-2016 về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng theo tinh thần Quyết định 22.
Với cách triển khai bài bản, khách quan, chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của các cấp, các ngành và toàn dân Thủ đô.
Đa dạng giải pháp
- Thưa ông, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công ở Hà Nội có gì khác biệt so với các địa phương khác?
- Theo Quyết định số 22, hộ gia đình người có công xây dựng nhà ở được hỗ trợ 40 triệu đồng, sửa chữa nhà ở được hỗ trợ 20 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 80%, ngân sách địa phương hỗ trợ 20%. Với số lượng người có công đông nhất cả nước, nếu thực hiện đúng lộ trình, Hà Nội phải mất 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới hoàn thành.
Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, từ cuối năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã chủ động ứng trước ngân sách, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ toàn bộ hơn 7 nghìn hộ người có công còn khó khăn về nhà ở dựa trên kết quả điều tra, khảo sát cuối năm 2016 với mức 70 triệu đồng/hộ xây mới, 35 triệu đồng/hộ sửa chữa. Tổng kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 400 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách là gần 230 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 173 tỷ đồng. Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, từ thiện vận động được hơn 40 tỷ đồng hỗ trợ gần 1 nghìn gia đình chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở. Như vậy, toàn thành phố có tổng cộng hơn 8 nghìn hộ người có công được hỗ trợ về nhà ở và đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa.
- Ngoài chính sách hỗ trợ về nhà ở, các chính sách ưu đãi khác đối với người có công được triển khai ra sao, thưa ông?
- TP Hà Nội thực hiện tốt tất cả chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, bảo đảm chi trả trợ cấp hằng tháng đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng. Thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà được tạo mọi điều kiện thuận lợi. Trung bình mỗi năm, Hà Nội đưa hàng nghìn lượt người có công đi điều dưỡng luân phiên; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt người.
Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, ngày lễ, Tết hằng năm, thành phố và các địa phương đều trích ngân sách tặng quà các đối tượng chính sách, tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu…
Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công. Giai đoạn 2007 -2016, toàn thành phố xác nhận hơn 18,4 nghìn người có công, trong đó chủ yếu là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Hiện tại, Hà Nội không còn hồ sơ tồn đọng ở cấp tỉnh, thành phố.
- Theo ông, hiện mức sống của người có công trên địa bàn Hà Nội có đạt được mục tiêu đề ra?
- Với việc thực hiện tốt các chính sách như đã nêu trên, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đều được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công theo tiêu chí Bộ LĐ-TB&XH đề ra.
Trong cuộc sống, bản thân người có công và gia đình của họ cũng không ngừng nỗ lực phấn đấu. Nhiều thương binh, bệnh binh đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nhiều thương binh, bệnh binh vượt khó làm giàu, giúp đỡ người khác vươn lên… Hàng trăm người có công tiêu biểu được UBND TP Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ khen thưởng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Có thể nói, Hà Nội đã đạt được mục tiêu “100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú”.
Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm
- Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TP Hà Nội có những hoạt động gì để thêm một lần bày tỏ sự tri ân người có công?
- Ngay từ đầu năm 2017, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã chủ động tham mưu cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Những hoạt động thường niên như thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, tu sửa nghĩa trang, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật… được tổ chức từ thành phố tới cơ sở. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm là thành phố đã tổ chức gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu; thực hiện cầu truyền hình trực tiếp, với chủ đề “Hồn thiêng sông núi”.
Ngày 27-7, TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ quy mô cấp quốc gia, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Vào sáng 26-7, Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc sẽ được diễn ra với sự phối hợp tổ chức của TP Hà Nội. Tối cùng ngày, TP Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân người có công tại 4 điểm cầu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị và Thái Nguyên...
- Theo ông, về lâu dài các cấp, các ngành cần làm gì để cuộc sống người có công ngày càng tốt đẹp hơn?
- Tôi nghĩ rằng, chăm lo cho cuộc sống người có công là nghĩa tình, trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội. Thực tế đã chứng minh, ở đâu cấp ủy đảng, chính quyền dành nhiều sự quan tâm đến người có công, ở đó các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, ưu đãi đối với người có công đi vào đời sống kịp thời, đúng đối tượng và phong trào Đền ơn đáp nghĩa cũng phát triển. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng chính sách, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Đối với cán bộ ngành LĐ-TB&XH, mỗi người hãy thực hiện nhiệm vụ của mình bằng tình cảm, trách nhiệm, tôn trọng các quy định của pháp luật, các chính sách của Đảng, Nhà nước về người có công, tạo điều kiện cho người có công được thụ hưởng đầy đủ các chính sách.
Nhân đây tôi xin cảm ơn các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, nhà hảo tâm đã dành sự quan tâm cả vật chất và tinh thần cho người có công trên địa bàn Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.