Du lịch

Hà Nội đến để yêu

Hoàng Vũ 08/10/2024 - 08:33

Những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội liên tiếp lọt vào danh sách “Thành phố đáng sống nhất trên thế giới”, “Điểm đến du lịch hấp dẫn của thế giới”... do các tổ chức, giải thưởng du lịch uy tín bình chọn.

Điều này cho thấy, sự phát triển, đổi mới và sức sống mạnh mẽ của một đô thị có bề dày văn hóa ngàn năm đang tạo ra sức hút lớn với du khách và bạn bè quốc tế.

bia-db-da-gop-78.jpg
Hồ Gươm trái tim của Thủ đô. Ảnh: Lê Việt Khánh

Điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn

Theo kết quả xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2023 do tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) công bố, Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) xếp hạng 129 trong danh sách “Những thành phố đáng sống nhất thế giới”, tăng thêm 20 bậc so với năm 2022. Đây cũng là thành phố duy nhất của Việt Nam có tên trong báo cáo của EIU. Còn với Bảng xếp hạng “100 thành phố tốt nhất thế giới 2024” do World's Best Cities công bố, Thủ đô Hà Nội xếp thứ 96, là đại diện duy nhất tại Việt Nam được nhắc đến.

Ở lĩnh vực du lịch, nhiều năm liền Hà Nội được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh ở nhiều hạng mục, như “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới” (năm 2022 và 2023), “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày” (năm 2022 và 2023).

Năm 2024, Hà Nội tiếp tục lọt vào danh sách đề cử “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày” và “Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á”. Giới truyền thông và nhiều chuyên trang du lịch uy tín của quốc tế dành nhiều lời ngợi khen sức hấp dẫn của Hà Nội. Mới đây nhất, nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor vinh danh Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến hàng đầu thế giới 2024” và “Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024”.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Hà Nội được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, đáng đến và đáng sống là bởi thành phố này có bề dày trầm tích văn hóa với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Thủ đô có 5.922 di tích, 1.350 làng nghề, hơn 1.500 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, Hà Nội không chỉ làm sống dậy các địa danh thuộc về ký ức, mà còn tạo ra các không gian nơi chốn để người dân và du khách có thêm nhiều trải nghiệm.

Nhìn ở góc độ quy hoạch đô thị, Hà Nội có nhiều không gian công cộng giàu bản sắc văn hóa, thân thiện, tiện ích, như các tuyến phố đi bộ ở khu vực nội và ngoại thành gắn với hoạt động nghệ thuật; hệ thống công viên gắn với cảnh quan thiên nhiên, cây xanh...

Ở góc độ văn hóa, du lịch, Thành phố chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với phát huy giá trị di sản, làng nghề. Hà Nội có nhiều sản phẩm đi đầu cả nước về tính sáng tạo, điển hình như chuỗi sản phẩm du lịch đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Văn học Việt Nam... Nhiều tour gắn với tiêu chí xanh, bền vững như tour đi bộ khám phá phố cổ, tour xe điện kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long và phố cổ Hà Nội; tour đạp xe trải nghiệm làng nghề. Hà Nội cũng là một trong những trung tâm của du lịch MICE (du lịch kết hợp với tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo), du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe...

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo đánh giá, Hà Nội luôn là điểm đến hàng đầu được du khách quốc tế lựa chọn khi khám phá Việt Nam bởi đây không chỉ là thành phố di sản mà còn có chất lượng dịch vụ, hạ tầng đô thị, an ninh trật tự ngày càng hiện đại, văn minh và an toàn.

Hà Nội - nơi đáng đến và đáng sống

Sống và làm việc ở Hà Nội hơn 20 năm, Yoon Kyu Hee là một doanh nhân người Hàn Quốc có tình yêu sâu đậm với Hà Nội. Anh nói rằng mình gắn bó với Hà Nội bởi mảnh đất này không chỉ cho anh không gian sống tuyệt vời, mà còn là nơi để anh nuôi dưỡng ước mơ. “Hà Nội cho tôi một cuộc sống yên bình, cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp” - Yoon Kyu Hee chia sẻ.

Còn Kaneya Manabu, một công chức Nhật Bản quyết định dành thời gian sinh sống và làm việc lâu dài tại Hà Nội sau khi anh tìm thấy cuộc sống như mong muốn tại đây. “Hà Nội rất đẹp, phong cảnh, ẩm thực, con người đều tuyệt vời. Tôi tìm thấy cuộc sống như ý khi đến Hà Nội, có trải nghiệm phong phú về cuộc sống và tình người” - Kaneya Manabu bày tỏ.

Hà Nội đang là điểm đến ưa thích của nhiều du khách, nhiều người đến đây và muốn quay trở lại. Không ít vị khách phải lòng Hà Nội ngay trong lần gặp đầu tiên và quyết định gắn bó lâu dài... Điều đó giải thích vì sao lượng khách quốc tế đến Hà Nội ngày một tăng. Theo Sở Du lịch thành phố, từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2024, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16,44 triệu lượt, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, lượng khách quốc tế ước đạt gần 3,5 triệu lượt, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Thực tế cho thấy Hà Nội đã và đang là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn. Dù vậy, trong đà phát triển đáng khích lệ đó, du lịch Hà Nội vẫn phải đối diện với khó khăn. Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama phân tích, vấn đề lớn nhất mà Hà Nội đang gặp phải là giao thông đô thị, môi trường không khí, vệ sinh đường phố... Là nơi đáng sống, đáng đến, Hà Nội cần có giải pháp đồng bộ về quản lý đô thị, thu hút đầu tư phát triển văn hóa, du lịch...

Theo chiến lược phát triển chung, Hà Nội sẽ phát triển thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025, mục tiêu là phát triển du lịch Thủ đô bền vững, hiệu quả, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Kế hoạch đề ra 7 nội dung trọng tâm, trong đó nổi bật là tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với thông điệp “Hà Nội - Đến để yêu”, Thủ đô đang đẩy mạnh phát triển du lịch để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt, tăng 10,4% so với năm 2023, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2025, Thủ đô Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế.

“Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn", khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Thời gian tới, Hà Nội sẽ quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề; phát triển các sản phẩm thế mạnh như du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe... Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa như Lễ hội thu Hà Nội, Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội...” - bà Đặng Hương Giang cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đến để yêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.