(HNMO) - Để người dân bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 và các đối tượng chính sách người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo… có điểm tựa an sinh để vượt qua giai đoạn khó khăn, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã rà soát, đánh giá và đề xuất các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội ban hành chính sách, kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng này.
Đây là chính sách hỗ trợ đặc thù, ngoài gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND, ngày 21-7-2021, của UBND thành phố Hà Nội. Theo phương án đề xuất, Hà Nội có thêm 10 nhóm đối tượng dự kiến được hỗ trợ. Cụ thể như sau:
Nhóm đối tượng thứ nhất, là hộ nghèo, dự kiến có 4.463 hộ được hỗ trợ với kinh phí 4.463 triệu đồng (1 triệu đồng/hộ).
Nhóm đối tượng thứ hai, là hộ cận nghèo, dự kiến có 31.405 hộ với kinh phí 31.405 triệu đồng (1 triệu đồng/hộ).
Nhóm đối tượng thứ ba, là người đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, với số lượng dự kiến 182.920 người với kinh phí 182.920 triệu đồng (1 triệu đồng/người).
Nhóm đối tượng thứ tư, là người đang hưởng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng đang sống tại gia đình, chưa vào lại trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhóm đối tượng này dự kiến có 219 người với kinh phí 219 triệu đồng (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người).
Nhóm đối tượng thứ năm, là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Dự kiến, toàn thành phố có 82.000 người được hỗ trợ với kinh phí 82.000 triệu đồng (1 triệu đồng/người).
Nhóm đối tượng thứ sáu, là người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Dự kiến, số người hưởng chính sách này là 2.500 người với kinh phí 3.750 triệu đồng (1,5 triệu đồng/người).
Người lao động đang mang thai, đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc bố hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em). Số lượng dự kiến 700 người với kinh phí 700 triệu đồng (1 triệu đồng/người).
Nhóm đối tượng thứ bảy, là người lao động làm việc tại hộ kinh doanh (có ký hợp đồng lao động với người lao động và có đóng bảo hiểm xã hội) bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người dự kiến được hưởng là 250 người; với kinh phí 375 triệu đồng (mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người). Người đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em, nhưng chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc bố, hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em, dự kiến có 70 người được hưởng với kinh phí 70 triệu đồng.
Nhóm đối tượng thứ tám, là người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và không thuộc đối tượng được quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Số lượng người dự kiến hưởng là 17.072 người với kinh phí 25.608 triệu đồng (mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người).
Người lao động đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi, hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em, chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc bố, hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em. Số lượng dự kiến là 5.000 người với kinh phí 5.000 triệu đồng.
Nhóm đối tượng thứ chín, là người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, có ký hợp đồng lao động nhưng phải chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng được quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19.
Số lượng dự kiến 464 người hưởng với kinh phí 696 triệu đồng (1,5 triệu đồng/người). Chính sách này cũng hỗ trợ thêm cho người đang mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi với mức 1 triệu đồng/trẻ, dự kiến có 120 người được hưởng với kinh phí 120 triệu đồng.
Nhóm đối tượng thứ mười, là hỗ trợ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (có trụ sở chính tại Hà Nội và do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19. Số lượng dự kiến được hưởng là 2.742 chủ cơ sở với kinh phí 8.226 triệu đồng (3 triệu đồng/chủ cơ sở).
Hình thức hỗ trợ là chi trả 1 lần cho đối tượng, người lao động. Quá trình triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; không trùng lặp đối tượng, mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; trường hợp một đối tượng hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên, thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất.
Các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 của UBND thành phố thì không hưởng chính sách hỗ trợ này. Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách nêu trên là 345.552 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, các chính sách đề xuất nêu trên đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố và lãnh đạo UBND thành phố đồng ý về mặt chủ trương. Ngay sau khi thành phố có quyết định ban hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương khẩn trương đưa chính sách hỗ trợ đặc thù đến với người dân trong thời gian sớm nhất.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.