(HNM) - Đầu tư công được xem là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch đề ra, trong khi chỉ còn gần một tháng nữa là hết năm 2022. Vì vậy, tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, UBND thành phố phải có các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đạt 49% kế hoạch
Đến ngày 28-11, Hà Nội đã giải ngân được 25.020,5 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022, bằng 49% kế hoạch. Theo kế hoạch, hết năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 82,6-90,1% so với kế hoạch giao đầu năm. Thành phố dự kiến sẽ hoàn thành 60 dự án xây dựng cơ bản tập trung, 112 dự án sử dụng vốn ngân sách cấp thành phố hỗ trợ cấp huyện…
Về nguyên nhân khách quan, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa tăng cao; máy móc, thiết bị nhập khẩu bị đội giá… đã ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án. Về chủ quan, các tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu.
Tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra mới đây, các đại biểu cũng đã phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Việc chuẩn bị đầu tư chưa tốt, phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án; sự thiếu quyết liệt, cố gắng của một số cơ quan, đơn vị trong giải ngân vốn đầu tư. Riêng các dự án sử dụng vốn ODA, việc chuẩn bị đầu tư đều chưa bảo đảm tiến độ, có dự án đủ điều kiện bố trí vốn nhưng kế hoạch vốn chưa kịp thời, thiếu linh hoạt.
Thực tế, từ đầu năm 2022, thành phố đã quyết liệt đôn đốc, đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố tập trung rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, các vấn đề phát sinh… Đặc biệt, thành phố yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu không đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo cam kết.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư công được xem là một động lực, đầu vào cho tăng trưởng kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng 1%, tổng sản phẩm trên địa bàn sẽ tăng 0,058%. Vì thế, yêu cầu giải ngân nhanh nguồn vốn này là rất quan trọng.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ
Hiện chỉ còn gần một tháng nữa là hết năm 2022, Hà Nội đang chủ động các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tại Hội nghị về giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài diễn ra ngày 2-12, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố. Đây sẽ là tiêu chí để đánh giá tổng kết cuối năm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Theo Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội Nguyễn Hà Hải, đơn vị xác định việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, nên sẽ tập trung chỉ đạo chi vốn thuận lợi, kịp thời, đúng chế độ cho các nhà thầu để bảo đảm vốn thi công công trình. Tại Kho bạc Nhà nước thành phố và các kho bạc quận, huyện, thị xã không được để hồ sơ tồn đọng, bảo đảm giải ngân vốn cho 100% hồ sơ đủ điều kiện thanh toán. Cùng với đó, phối hợp thường xuyên với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý; chủ động nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kế hoạch vốn kéo dài của từng dự án, nhất là với những dự án, công trình trọng điểm. “Khối lượng công việc cũng như số vốn còn phải thanh toán cuối năm rất lớn nên Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội đã bố trí cán bộ, công chức làm thêm giờ, bảo đảm thanh toán kịp thời”, ông Nguyễn Hà Hải nói.
Về phía địa phương, theo đại diện UBND huyện Quốc Oai, huyện đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành, giải phóng mặt bằng… đối với từng dự án, để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị thi công tăng cường nhân lực, máy móc, làm tăng ca, bảo đảm tiến độ dự án theo kế hoạch.
Được biết, để chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2023, thành phố sẽ rà soát, bảo đảm bố trí vốn theo các quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư, thứ tự ưu tiên. Trong đó, tập trung bố trí vốn hoàn thành các dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm, dự án dân sinh, dự án có khả năng hấp thụ vốn và giải ngân tốt; không bố trí vốn cho các dự án mới khi chưa bảo đảm thủ tục đầu tư, khởi công theo quy định.
Tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, UBND thành phố phải có các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư. Tập trung chỉ đạo, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm để tập trung quyết liệt triển khai đầu tư và giải ngân ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2023; tránh tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm làm chậm tiến độ dự án, giảm hiệu quả vốn đầu tư công, phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhiều lần trong năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.