(HNMO) - Thời điểm hiện tại, nhiều huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã bước vào vụ thu hoạch lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Tuy nhiên, do có một số khu dân cư, thôn, xã thuộc vùng nguy cơ cao, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực triển khai các phương án thu hoạch lúa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và mang lại hiệu quả cao nhất.
Thực hiện phương châm "xanh nhà hơn già đồng"
Vụ mùa 2021, toàn thành phố có 76.833ha lúa, sản lượng thu hoạch ước đạt 436.720 tấn thóc. Theo Sở NN&PTNT, Hà Nội thu hoạch lúa mùa từ ngày 1-9 đến khoảng 10-11, trong đó thời gian thu hoạch rộ từ 15-9 đến 15-10. Các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây... thu hoạch lúa từ ngày 1-9 đến 15-9; Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng... thu hoạch lúa mùa muộn từ 15-10 đến 10-11.
Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", các huyện Ba Vì, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Có mặt tại các xứ đồng trên địa bàn huyện Phúc Thọ sáng 9-9, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, những ruộng lúa đã chín vàng, trĩu hạt, việc thu hoạch lúa mùa đang được nông dân tích cực triển khai. Tại xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ, việc gặt lúa được thực hiện bằng máy gặt đập liên hợp nên các hộ nông dân chỉ cử 1-2 người ra ruộng để nhận thóc về. Vì vậy, mỗi ngày, xã thu hoạch hàng chục héc-ta lúa, nhưng đồng ruộng không đông người, bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) Hồ Quốc Khánh cho biết, vụ mùa 2021, xã Xuân Đình có 162ha lúa. Với tinh thần "xanh nhà hơn già đồng" và phòng tránh tác động tiêu cực của bão và thời tiết bất thường, từ hôm nay, xã Xuân Đình đã huy động tổng lực 5 máy gặt, người dân thu hoạch lúa cả ngày và đêm.
Tương tự, tại huyện Mỹ Đức, ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Mỹ Thành, xã Mỹ Thành thông tin, toàn xã có 234ha lúa mùa chuẩn bị thu hoạch, Hợp tác xã đã bố trí đủ máy gặt đập liên hợp tại chỗ, bảo đảm việc thu hoạch lúa được tập trung cao nhất, không bị gián đoạn.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, Mỹ Đức có hơn 7.100ha lúa mùa, năm nay được mùa, dự kiến năng suất đạt 62-63 tạ/ha. Thời điểm hiện tại, 100% hợp tác xã trên địa bàn đã ký xong hợp đồng máy gặt đập liên hợp với 79 máy công suất lớn, do đó có thể chủ động được việc thu hoạch.
Linh hoạt ứng phó với mọi tình huống
96,1% diện tích lúa mùa của Hà Nội sẽ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Hiện tại, nhiều địa phương đã bố trí đủ nhân lực, máy móc để thu hoạch lúa mùa, nhưng một số địa phương đang gặp khó khăn nhất định, như lượng máy gặt tại chỗ không đủ, phải đi thuê ở nơi khác, thậm chí là ở các tỉnh bạn. Mặt khác, một số thôn, xã thuộc vùng "nguy cơ cao" vẫn chưa có phương án chi tiết, cụ thể kết hợp phòng, chống dịch Covid-19 và thu hoạch lúa mùa.
Tháo gỡ khó khăn cho nông dân, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, để thu hoạch trong khung thời vụ và ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra, dự kiến chính xác thời điểm, diện tích thu hoạch lúa mùa trên địa bàn. Từ đó cân đối số lượng, công suất máy để thực hiện 3 ca trong quá trình thu hoạch, đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch. Cùng với đó là yêu cầu trưởng thôn lập danh sách, số điện thoại của hộ gia đình có ruộng trên mỗi xứ đồng, kết nối thông tin với chủ máy để phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch trong quá trình thu hoạch, vận chuyển.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, toàn huyện có gần 4.000ha lúa mùa, dự kiến trung tuần tháng 9 bắt đầu thu hoạch. Các xã Khánh Hà, Duyên Thái, Ninh Sở và một phần diện tích xã Nhị Khê thuộc vùng nguy cơ cao, UBND các xã đã thành lập ban chỉ đạo sản xuất, bố trí máy thu hoạch lúa tại địa phương, trong trường hợp thiếu, huyện có phương án hỗ trợ kịp thời. Với gia đình trong diện cách ly theo dõi y tế, không thể tham gia thu hoạch lúa, UBND xã, hợp tác xã bố trí nhân lực thu hoạch hộ... Cùng với việc ưu tiên tiêm vắc xin cho nông dân tham gia thu hoạch lúa ngoài đồng, các thôn, xã tăng cường quản lý, kiểm soát công tác phòng, chống dịch...
Về phía các đơn vị cung ứng dịch vụ máy gặt đập, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Hưng, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên cho biết, ngoài bảo đảm thu hoạch cho 100% diện tích lúa trên địa bàn xã, Hợp tác xã cũng đã ký kết gặt máy cho các hộ dân một số xã khác trên địa bàn huyện Phú Xuyên và các huyện lân cận như Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức... với diện tích 2.500 mẫu.
"Để bảo đảm thu hoạch lúa mùa thuận lợi cho người dân các địa phương lân cận, rất mong các chốt cứng tại các địa phương tạo điều kiện cho máy qua thông suốt, bởi hiện nay, hợp tác xã vẫn chưa nắm rõ cung đường, quy trình... di chuyển máy gặt khỏi địa bàn huyện Phú Xuyên", ông Đức nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nhận định của ngành Nông nghiệp và các địa phương cho thấy, vụ mùa 2021 tiếp tục thắng lợi cả về năng suất và chất lượng. Các địa phương cần tập trung thu hoạch nhanh gọn theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
"Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.017 máy gặt các loại, dự kiến số lượng máy cần thuê từ các tỉnh bạn khoảng 125-130 máy. Các địa phương đã liên hệ, ký kết hợp đồng để sẵn sàng thu hoạch, do đó rất mong các ngành chức năng, các chốt trực hỗ trợ tạo điều kiện trong quá trình vận chuyển máy gặt lúa từ địa phương này tới địa phương khác. Bản thân các chủ máy cần ưu tiên người điều khiển phương tiện đã được tiêm phòng đầy đủ vắc xin...", ông Tạ Văn Tường cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.