Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử

Đình Hiệp| 17/03/2022 18:07

(HNMO) - Chiều 17-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo 06 thành phố Hà Nội chủ trì phiên họp lần thứ nhất với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo 06 thành phố.

Tham dự phiên họp về phía trung ương có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.

Về phía thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 06 thành phố cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Đã cấp gần 5,7 triệu hồ sơ căn cước công dân gắn chíp điện tử

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 06 thành phố) đã được thành lập.

Tại phiên họp, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 06 thành phố đã báo cáo về tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, UBND thành phố đã ban hành danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Thành phố đã ban hành kế hoạch tái cấu trúc, xây dựng, tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia đối với tối thiểu 794/1.135 thủ tục hành chính đủ điều kiện xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Dự kiến trong năm 2022, thành phố sẽ thực hiện 1.048 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó có 254 dịch vụ công đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công trước đó).

Tính đến ngày 1-3, thành phố có 254 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Dự kiến, đến tháng 12-2022, thành phố thực hiện tích hợp tối thiểu 794/1.135 thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ tiêu đề ra. Đối với 14/25 dịch vụ công thực hiện trong tháng 3-2022, hiện đã có 7/14 dịch vụ công theo lộ trình tại Đề án 06 của Chính phủ được cung cấp trên Cổng dịch vụ công thành phố (3 dịch vụ công) và Cổng dịch vụ công Bộ Công an (4 dịch vụ công); đồng thời, sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Quang cảnh phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo 06 thành phố.

Đến nay, Công an thành phố đã thông báo mã số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn thành phố, triển khai thu nhận 5.691.513 hồ sơ căn cước công dân có gắn chíp điện tử và làm sạch 3 cấp đối với 7,9 triệu dữ liệu dân cư của công dân trên địa bàn; đồng thời, cập nhật thông tin 453.403 trường hợp hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và 11.332.865 thông tin tiêm chủng vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 06 thành phố, ngay trong tháng 3 này, thành phố sẽ triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 3 thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử và đăng ký kết hôn) trên toàn thành phố; tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc làm sạch dữ liệu hộ tịch điện tử của thành phố và tổ chức kết nối thông suốt với Cơ sở dữ liệu dân cư để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến về hộ tịch cho người dân.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 đã được thành phố triển khai cơ bản đúng tiến độ, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Nhờ đó, việc kê khai hồ sơ trực tuyến của người dân được thuận lợi hơn do dữ liệu lấy trực tiếp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần giảm thiểu việc công dân kê khai sai lệch thông tin phải điều chỉnh khi đã gửi hồ sơ trực tuyến.

Những kết quả bước đầu khẳng định việc triển khai thực hiện Đề án 06 là đúng đắn, kịp thời, góp phần tạo bước đột phá trong chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, việc triển khai Đề án 06 là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, gồm: Hạ tầng giao thông, chuyển đổi số và chống biến đổi khí hậu. Vì thế, việc triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ sẽ góp phần bảo đảm quản lý thống nhất, tập trung, thuận lợi, tiết kiệm, minh bạch và hiệu quả. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc triển khai Đề án gặp nhiều khó khăn, song Tổ công tác triển khai Đề án 06 của thành phố đã luôn nỗ lực triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp.

“Hà Nội là 1 trong 5 địa phương triển khai điểm Đề án 06 của Chính phủ. Vì thế, việc thực hiện cần có sự chuyển động rõ nét để người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi. Trên cơ sở đó, thành phố cần rà soát lại các văn bản chỉ đạo liên quan của Chính phủ để triển khai thực hiện Đề án hiệu quả, kịp thời. Trong đó, cần xây dựng lộ trình triển khai từng bước, cụ thể; với từng lộ trình, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi gì. Từ đó, các sở, ngành liên quan của thành phố mới hiểu rõ công việc của đơn vị mình”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Để hoàn thành kịp tiến độ Đề án 06 thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội cần chủ động phối hợp, tăng cường kết nối chia sẻ, cập nhật dữ liệu dân cư nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố cần bố trí ngân sách hợp lý; tiếp tục rà soát lại kho dữ liệu dân cư, các công nghệ, thiết bị, phần mềm để triển khai Đề án nhằm tránh lãng phí. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 06 thành phố tiếp tục phân công, phân cấp để rõ trách nhiệm từng đơn vị, địa phương cũng như mỗi cá nhân khi triển khai phần việc của mình.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho rằng, cần nhìn thấy trước tác động xã hội lớn lao, mạnh mẽ với 25 thủ tục hành chính thiết yếu khi được triển khai. Đây là việc chưa có tiền lệ, với nhiều bài toán cần cân nhắc. “Không cầu toàn, việc nào người dân mong chờ thì triển khai ngay. Trong đó, ưu tiên nỗ lực hoàn thành trong tháng 5-2022”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Với 25 thủ tục hành chính thiết yếu, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu làm từng ngành một theo thứ tự ưu tiên đã đề ra. Trong đó, các đơn vị phải phối hợp, liên thông, xuống tận xã, phường, thị trấn để nắm bắt. Thành phố sẽ chủ động tối đa trong các phần việc thuộc thẩm quyền và đề nghị Tổ công tác của Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều phối, tháo gỡ khó khăn cho Thủ đô…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.