Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chủ trì xây dựng phương án tổng thể mạng lưới, cơ chế, chính sách trợ giá, đối tượng hành khách được hỗ trợ khi tham gia giao thông bằng xe buýt.
Đó là nội dung quan trọng trong Thông báo số 1440-TB/TU kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế, phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ngành, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, vừa được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ký ban hành.
Cụ thể, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chủ trì việc đánh giá lại toàn bộ mạng lưới tuyến xe buýt (lộ trình, tần suất, hệ số sử dụng sức chứa, hệ số trùng lặp tuyến,...) để đề xuất phương án điều chỉnh trong quý IV năm 2023. Đồng thời, ủy quyền cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chủ động quyết định và chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh, bổ sung mạng lưới tuyến.
Cùng với đó là xây dựng, hoàn thiện, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng tính đúng, tính đủ. Nghiên cứu đề xuất nguyên tắc điều chỉnh giá vé theo từng giai đoạn, hoàn thành trong năm 2023.
Đặc biệt là rà soát, tính toán sản lượng, doanh thu thiếu hụt của đối tượng hành khách miễn phí (theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 của HĐND thành phố) chưa được ghi nhận để bù đắp bổ sung cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo tính đúng, tính đủ phù hợp với thực tiễn hiện nay. Từ đó xây dựng phương án trợ giá theo đối tượng (hỗ trợ, miễn giảm giá vé cho người già, người nghèo, học sinh - sinh viên,...); đối với nhiệm vụ chính trị của thành phố thực hiện theo phương thức thành phố đặt hàng doanh nghiệp.
Tổ chức đàm phán, trao đổi thống nhất với các đơn vị khai thác vận hành trong việc thay đổi cơ chế quản lý, điều hành. Báo cáo UBND thành phố hỗ trợ kinh phí thực hiện trong các trường hợp cần thiết (đền bù hợp đồng, tinh giản lao động...). Triển khai áp dụng hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đối với các tuyến buýt đang khai thác, cung cấp dịch vụ của Tổng công ty Vận tải Hà Nội từ 1-1-2024.
Thông báo cũng nêu rõ, đến năm 2025, hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp của thành phố Hà Nội, do thành phố đầu tư, quản lý, khai thác vận hành kết hợp chia sẻ dữ liệu thường xuyên và liên tục cho các lực lượng chức năng khi cần thiết hoặc có yêu cầu (xử lý các vi phạm, các sự cố khẩn cấp, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ...).
Trung tâm được tích hợp từ Trung tâm giám sát, xử phạt và an ninh giao thông (nâng cấp từ Trung tâm điều khiển giao thông tại 54 Trần Hưng Đạo thuộc Công an thành phố hiện nay); Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố (nâng cấp từ Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội thuộc Sở Giao thông Vận tải hiện nay).
Trước mắt, giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố; khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp quản, quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh của tuyến đường Vành đai 4 cũng như hệ thống thẻ vé điện tử cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn trong thời gian tới.
Bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư (khoảng 10 tỷ đồng) và giao Sở Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án giao thông liên quan đến hạ tầng giao thông thông minh. Đồng thời, định hướng phân công, phối hợp trong đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với việc triển khai hệ thống giao thông thông minh giữa ngành công an và các sở, ngành liên quan của thành phố đảm bảo đồng bộ, khai thác có hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.