(HNMO) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá, việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục được các sở, ban, ngành, địa phương của thành phố khẩn trương thực hiện.
Đến cuối ngày 6-9, tổng kinh phí Hà Nội đã hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng là hơn 923 tỷ đồng (kinh phí từ ngân sách là hơn 737 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là gần 186 tỷ đồng).
So với ngày 5-9, số tiền hỗ trợ an sinh tăng thêm 59 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn lực trợ giúp đã đến với 1,621 triệu người lao động, người sử dụng lao động thuộc diện thụ hưởng theo các chính sách chung thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Kinh phí đã hỗ trợ cho gói này là gần 452 tỷ đồng.
Nổi bật là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã đến với hơn 88.000 đơn vị sử dụng lao động, có gần 1,478 triệu người lao động. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ giảm đóng là gần 152 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đã đến với gần 6.400 lao động, số tiền tạm dừng đóng là hơn 45 tỷ đồng.
Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 12.585 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí là 50,8 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho gần 13.000 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế. Đặc biệt, với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), đã có hơn 108.000 người nhận quyết định hỗ trợ với số tiền gần 163 tỷ đồng.
Thông qua các chính sách đặc thù, Hà Nội có gần 850.000 người đã tiếp cận chính sách, nguồn lực hỗ trợ. Kinh phí hỗ trợ cho nhóm này khoảng 471 tỷ đồng. Trong đó, toàn thành phố có 282.650 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ với số tiền 282,65 tỷ đồng (1 triệu đồng/người hoặc hộ gia đình).
Các trường hợp khác được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt là người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động... Đến nay, các địa phương đã có quyết định hỗ trợ 766 người với số tiền 1,71 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 đã đến với 129 lao động, số tiền hỗ trợ là 194,5 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên, đã có 390 người được tiếp cận chính sách với số tiền 1,17 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho khoảng 570.000 lượt người, hộ gia đình. Tính chung, từ giữa tháng 7-2021 đến nay, Hà Nội đã có gần 2,474 triệu lượt người, hộ gia đình được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, hỗ trợ nguồn lực an sinh xã hội.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.