Kết quả đánh giá tại các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội trong quý I-2025 cho thấy, tỷ lệ hài lòng trung bình của người bệnh là 95,99%. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện bị phản ánh nhà vệ sinh chưa sạch sẽ.
Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, người bệnh nội trú, ngoại trú và nhân viên y tế của ngành Y tế Thủ đô trong quý I năm 2025.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và các văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, người bệnh nội trú, ngoại trú và nhân viên y tế của ngành Y tế Hà Nội năm 2025.
Tổng số phiếu khảo sát trong quý I-2025 là 47.544 phiếu, thời gian khảo sát tính từ ngày 10-12-2024 đến ngày 9-3-2025. Kết quả, đánh giá tại bệnh viện công lập cho thấy, tỷ lệ hài lòng trung bình của người bệnh là 95,99%; tỷ lệ hài lòng trung bình của nhân viên y tế là 91,49%.
Trong số này, các bệnh viện có chỉ số hài lòng chung của bệnh nhân cao như: Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (99,85%); Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn (99,83%); Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (99,49%); Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (99,3%), Bệnh viện Mắt Hà Nội (98,82%)...
Một số bệnh viện có chỉ số thấp hơn như: Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (82,05%); Bệnh viện Nam Thăng Long (82,5%); Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng (88,7%); Bệnh viện Nhi Hà Nội (91,7%); Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (91,28%); Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông (92,8%)...
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát, đo lường sự hài lòng của người bệnh cũng chỉ ra các tồn tại tại các bệnh viện công lập, trong đó hầu hết tồn tại liên quan đến cơ sở hạ tầng xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhà vệ sinh chưa sạch sẽ…
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất được phản ánh khu vực vệ sinh còn bẩn, bốc mùi; khu vực khám ngoại trú chờ lấy máu và kết quả lâu; nhân viên y tế đôi lúc còn cáu, gắt với người bệnh; phòng bệnh ẩm mốc.
Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh được phản ánh còn thiếu nhà vệ sinh, chưa có wifi cho người bệnh và người nhà người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì được phản ánh, một số nhà vệ sinh khu vực khám bệnh chưa thực sự khô ráo do lượng người bệnh đông.
Bệnh viện Da liễu Hà Nội, một số người bệnh phản ánh, chưa hài lòng về nhà vệ sinh và vị trí ngồi chờ khi sử dụng dịch vụ thẩm mỹ da…
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Hoè Nhai, người bệnh phản ánh nhà vệ sinh chưa sạch, chưa đủ thuốc theo danh mục bảo hiểm…
Tương tự, Bệnh viện Phổi Hà Nội được phản ánh, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhà vệ sinh hư hỏng nhiều…
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được phản ánh, nhà vệ sinh tại phòng khám nhiều lượt sử dụng nên có tình trạng quá tải, dẫn đến có mùi.
Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội được phản ánh, nhà vệ sinh còn chưa sạch sẽ, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa tiện nghi.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba được phản ánh, nhà vệ sinh hay mất nước.
Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức được phản ánh, nhà vệ sinh chưa sạch sẽ, ướt bẩn…
Hiện các bệnh viện đã tiếp nhận các ý kiến đóng góp và có hướng hoặc tìm phương án để khắc phục.
Cũng tại kết quả khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân trong quý I năm 2025 của ngành Y tế Thủ đô, tỷ lệ hài lòng trung bình của người bệnh tại bệnh viện ngoài công lập là 98,8%; tỷ lệ hài lòng trung bình của nhân viên y tế là 97,72%. Tuy nhiên, trong phản ánh của bệnh nhân, nhiều ý kiến phản ánh diện tích của một số cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập này còn nhỏ hẹp, chật chội, ít cây xanh, chưa có nơi gửi ô tô.
Còn tại các trung tâm y tế, tỷ lệ hài lòng trung bình của người bệnh là 96,84%; tỷ lệ hài lòng trung bình của nhân viên y tế là 90,03%. Những tồn tại được chỉ ra ở các trung tâm y tế phần lớn liên quan đến việc chưa có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xuống cấp, có nơi thiếu bác sĩ chuyên khoa…
Sở Y tế Hà Nội kiến nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nghiên cứu thay đổi hình thức đánh giá khảo sát sự hài lòng người dân thành đánh giá sự không hài lòng và nguyên nhân không hài lòng để có thể đưa ra các biện pháp khắc phục sớm và hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.