(HNM) - Sau một năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả theo Quyết định số 5931/QĐ-UBND ngày 31-10-2018 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến năm 2020, nhiều mô hình sản xuất mới đã được hình thành, đem lại giá trị cao trên mỗi héc ta canh tác, mở hướng làm giàu cho nông dân. Để phát triển bền vững, thành phố khuyến khích việc chuyển đổi canh tác gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành vùng sản xuất tập trung.
Nông dân làm giàu trên đất lúa
Do ruộng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả, ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) đã chuyển đổi 1ha lúa sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng cây ăn quả, như bưởi Diễn, cam Canh... Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mỗi năm mô hình này cho thu nhập 400-500 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa.
Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Chính ở xã Tàm Xá, huyện Đông Anh đã cải tạo một mẫu ruộng trước đây trồng ngô, lúa chuyển sang trồng quất cảnh. Theo ông Chính, tuy trồng quất cảnh phải chăm sóc vất vả hơn, nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn quất cho thu nhập hơn 500 triệu đồng, cao hơn trồng lúa, ngô trước đây nhiều.
Hiện nay, xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) đã chuyển đổi hơn 100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây khác, trong đó có hơn 55ha quất cảnh, cho thu nhập bình quân lên tới gần 2 tỷ đồng/ha/năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.743ha đất lúa sang trồng rau an toàn, hoa cây cảnh, nuôi thủy sản. Nhìn chung, các mô hình sản xuất mới phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Từ thực tế triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Hà Nội cho thấy, đây chính là giải pháp mở hướng cho nông dân làm giàu. Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT), đến nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn Hà Nội cơ bản được thực hiện theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi thủy sản, trồng rau, hoa cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 đến 8 lần.
Hiện, trên địa bàn thành phố đã có hơn 7.747ha và dự kiến đến năm 2020 có 8.407ha đất trồng lúa chuyển sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trong đó, riêng giai đoạn 2018-2020 có 1.844ha chuyển đổi theo Quyết định số 5931/QĐ-UBND.
"Đặc biệt từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hà Nội đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung như vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm... (cho giá trị sản xuất 400-500 triệu đồng/ha/năm), vùng trồng cây ăn quả ở Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm (cho giá trị từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm)...", bà Hoàng Thị Hòa thông tin.
Chuyển đổi cần phù hợp với thực tế
Hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã rõ. Vấn đề đặt ra là việc chuyển đổi phải bảo đảm theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng tự phát, phát triển ồ ạt ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm.
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Sỹ Tuấn, ngày 11-7-2019 Chính phủ ban hành Nghị định 62/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, song hiện các bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên thực tế triển khai ở cơ sở lúng túng. "Có hướng dẫn cụ thể địa phương mới tránh được tình trạng chuyển đổi theo phong trào, ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm", ông Tuấn kiến nghị.
Cũng từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết, hiện tại đối với các vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả dự kiến chuyển đổi sang những loại cây trồng khác, huyện yêu cầu các xã, thị trấn lập quy hoạch chi tiết gồm: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng, vật nuôi.
Căn cứ quy hoạch, huyện sẽ xây dựng các đề án phát triển sản phẩm của vùng chuyển đổi theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, cùng với đó, các sở, ngành nghiên cứu, triển khai giải pháp hỗ trợ vùng chuyển đổi đầu tư cơ sở hạ tầng như: Đường điện, đường giao thông, thủy lợi nội đồng...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong Quyết định số 5931/QĐ-UBND, UBND thành phố đã có những định hướng rất rõ, đó là việc chuyển đổi phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch đến các hộ dân, hình thành các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn; nghiêm cấm việc chuyển đổi tràn lan, tự phát. Thành phố khuyến khích các hộ dân tự dồn thửa, đổi ruộng cho nhau hoặc liên kết nhiều hộ với nhau để thành diện tích canh tác lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Các địa phương khi làm đề án chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của địa phương.
Ông Chu Phú Mỹ thông tin, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả, nghiên cứu lựa chọn loại cây trồng phù hợp nhu cầu thị trường, khai thác được lợi thế về đất đai, bảo đảm khả năng tiêu thụ ổn định. Đồng thời, việc chuyển đổi gắn liền với ứng dụng khoa học công nghệ mới, nâng cao hiệu quả để phát triển ổn định, bền vững.
"Cùng với đó, chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra công tác chuyển đổi ở từng hộ, nghiêm cấm việc làm nhà ở, công trình không phục vụ sản xuất nông nghiệp trên khu đất chuyển đổi. Nếu để xảy ra vi phạm thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.