Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội chuẩn bị đầu tư xây dựng 11 nhà tang lễ

Lan Hương| 05/11/2010 19:37

(HNMO) – TP Hà Nội sau khi mở rộng điạ giới hành chính với quy mô dân số ngày càng gia tăng và theo quy luật sinh – tử, những người đi về cõi vĩnh hằng cũng không phải là ít. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố đang thiếu trầm trọng các nhà tang lễ (hiện chỉ có ở một số bệnh viện, hay ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng), gây khó khăn, bức xúc trong dân sinh.

(HNMO) – TP Hà Nội sau khi mở rộng điạ giới hành chính với quy mô dân số ngày càng gia tăng và theo quy luật sinh – tử, những người đi về cõi vĩnh hằng cũng không phải là ít. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố đang thiếu trầm trọng các nhà tang lễ (hiện chỉ có ở một số bệnh viện, hay ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng), gây khó khăn, bức xúc trong dân sinh.

Nhận thức được vấn đề trên, trong thời gian qua, TP Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư xây dựng 11 nhà tang lễ trên địa bàn các quận, huyện còn thiếu của thành phố.

Phản ánh về tiến độ thực hiện các dự án, bà Nguyễn Thị Phúc – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Về dự án đầu tư xây dựng nhà tang lễ Đông Anh, nhà tang lễ Thanh Trì, chủ đầu tư là Ban phục vụ lễ tang Hà Nội. Hai dự án này đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, Sở Xây dựng phê duyệt thiết kế cơ sở, Sở Kế hoạch Đầu tư phê duyệt dự án. Tổng mức đầu tư ước tính của nhà tang lễ Đông Anh là 29,92 tỷ đồng, nhà tang lễ Thanh Trì 21,147 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hiện huyện Đông Anh đang lập phương án đền bù GPMB. Dự kiến hai dự án này sẽ hoàn thành GPMB trong tháng 12/2010 và sẽ hoàn thành đúng tiến độ thành phố giao.

Tiếp đó, ở dự án nhà tang lễ Thị xã Sơn Tây, chủ đầu tư là thị xã Sơn Tây. Dự án hiện đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận địa điểm 5.000m2 tại phường Lê Lợi (thuộc đất Bệnh viện Sơn Tây) và một phần đất của phường Viên Sơn. UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư và Viện Quy hoạch xây dựng đã cấp chỉ giới đường đỏ 1/500.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội là chủ đầu tư dự án nhà tang lễ quận Long Biên. Dự án có tổng mức đầu tư 16,664 tỷ đồng (vốn ngân sách thành phố), xây dựng trên diện tích 3.800m2 đất thuộc Bệnh viện Đức Giang (Sở Y tế Hà Nội) quản lý. Dự án đã hoàn thành nghiệm thu và bàn giao cho Bệnh viện Đức Giang quản lý từ tháng 5/2010 (các hạng mục và trang thiết bị chủ yếu gồm 5 khu dịch vụ 2 tầng (1 phòng tang lễ), 1 xe cứu thương, 8 khay lưu xác nhà lạnh…


Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở Hà Nội hiện nay là nhà tang lễ rộng nhất, nhưng cũng đã quá tải không đủ đáp ứng các đám tang lớn, đông người tham dự.

Mặt khác, ở dự án nhà tang lễ quận Hà Đông, có tổng mức đầu tư 14,88 tỷ đồng, nằm trong phần diện tích đất mở rộng của nghĩa trang Hà Đông. Với dự án này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình yêu cầu UBND quận Hà Đông phải nghiên cứu kỹ vì đây là dự án nhà tang lễ đầu tiên trên địa bàn quận, phải tính quy mô và dành quỹ đất thích đáng theo hướng nhìn xa, trông rộng cho những năm tiếp theo. Theo đó, trước ngày 10/11/2010, quận Hà Đông phải báo cáo thành phố chính thức việc quận sẽ là chủ đầu tư hoặc giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện, không kêu gọi xã hội hóa ở dự án này.

Riêng với dự án Nhà tang lễ huyện Từ Liêm, trong cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành và các quận, huyện chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà tang lễ diễn ra vào chiều nay (5/11), Phó Chủ tịch thường trực Phí Thái Bình đã quyết định để huyện đầu tư nhà tang lễ tại khu Cầu Noi, Cổ Nhuế; sau thời gian dự án này bị “treo” do Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng địa điểm trên nằm trong khu vực nghiên cứu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều biến động. Phó Chủ tịch lưu ý, huyện Từ Liêm khi triển khai xây dựng phải tạo cảnh quan môi trường đẹp, có cây xanh, hồ nước, giao thông thuận tiện, để các nhà tang lễ như ở Từ Liêm nói riêng và ở Hà Nội nói chung đáp ứng được yêu cầu văn minh – lịch sự - hiện đại.

Ngoài những dự án nhà tang lễ được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách trên, Phó Chủ tịch Thường trực Phí Thái Bình cũng vừa quyếtđáp cho quận Thanh Xuân được xây nhà tang lễ theo hình thức xã hội hóa. Dự án này do liên danh Công ty Hồn đất Việt và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Vinaconex nghiên cứu, triển khai với quy mô dự kiến khoảng 2,5 ha bao gồm phòng lạnh bảo quản thi hài, phòng tổ chức tang lễ, khối hành chính quản lý, khối dịch vụ phụ trợ và bãi đỗ xe. Dự kiến, ở nhà tang lễ này còn được nghiên cứu bố trí phòng mổ tử thi mà chưa có một nhà tang lễ nào của Hà Nội có (hiện chỉ có ở các bệnh viện).

Phó Chủ tịch rất hoan nghênh tâm huyết và nhiều sáng kiến đột phá của liên danh nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án nhà tang lễ quận Thanh Xuân. Phó Chủ tịch giao chủ đầu tư đến ngày 30/11/2010 phải lập xong dự án; trình các sở, ngành và thành phố xem xét. Quận Thanh Xuân hỗ trợ chủ đầu tư các hạng mục kỹ thuật (điện, nước) đến chân công trình.

Nhìn chung, với tất cả các dự án đầu tư xây dựng mới nhà tang lễ trên địa bàn quận, huyện của Hà Nội, Phó Chủ tịch yêu cầu ngoài việc đáp ứng cho nhu cầu hiện tại, phải tính đến tương lai nên các dự án phải được bố trí quỹ đất rộng, xây dựng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Mặt khác, ở khu vực phía Tây Nam Hà Nội hiện còn thiếu nhà hỏa táng. Ông Vũ Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho hay, Sở đang “nhắm” việc quy hoạch xây dựng nhà hỏa táng trên địa bàn huyện Từ Liêm, nơi có những vùng đệm xanh thuộc hàng lang bảo vệ sông Đáy, sông Nhuệ. Tuy nhiên, bà Phan Lan Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm lại “đây đẩy” cho rằng, huyện Từ Liêm hiện đã hết quỹ đất do tất cả đã được nhắm cho nhiều dự án khác nhau.

Để giải quyết vần đề “Sở bảo huyện không nghe” trên, Phó Chủ tịch giao Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất 3 địa điểm xây nhà hỏa táng tại cả 3 huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng để trình thành phố quyết lấy 1 địa điểm. Khu vực được đề xuất trong quy hoạch phải là vùng đệm xanh, giãn cách khu dân cư, có thể xây dựng ven đê hoặc ngoài đê nhưng giao thông thuận tiện và không bị úng ngập.

Hơn nữa, Phó Chủ tịch cũng giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư bố trí vốn ngân sách cho các dự án xây dựng mới nhà tang lễ, nhà hỏa táng… để có thể đồng loạt triển khai trong năm 2011. Sở Quy hoạch Kiến trúc lên phương án mẫu các nhà tang lễ để áp dụng chung ra các quận, huyện để có thể triển khai nhanh và tiết kiệm kinh phí.

Như vậy, với chỉ đạo quyết liệt của TP Hà Nội, sau năm 2011, gia đình của những người khi đã “hai năm mươi”, về nơi chín suối sẽ rất thuận tiện trong việc chọn nhà tang lễ ở khu vực mình sinh sống, không phải chạy quanh Hà Nội như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chuẩn bị đầu tư xây dựng 11 nhà tang lễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.