(HNM) - 77 năm qua, từ ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Thủ đô Hà Nội luôn trưởng thành và phát triển vững mạnh về mọi mặt. Trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng bừng “tiến quân ca” với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”…
Ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời để lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì ngày 17-3-1930, Đảng bộ Hà Nội được thành lập lãnh đạo phong trào cách mạng Hà Nội, hòa chung với cả nước đấu tranh giành độc lập, tự do. Từ đây, phong trào cách mạng ở Hà Nội có những bước phát triển mạnh với nhiều thuận lợi và thời cơ mới. Mặc dù kẻ thù đàn áp, khủng bố dã man, nhưng phong trào cách mạng của Hà Nội ngày càng được tăng cường.
Vào những ngày Tháng Tám năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Hà Nội hừng hực khí thế cách mạng. Ngày 16-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng (Ủy ban Khởi nghĩa) Hà Nội được thành lập và ngay lập tức gấp rút tiến hành các biện pháp tích cực cho khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19-8-1945, cả Hà Nội sục sôi, ào ào đứng lên như lời ca khúc bất hủ “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh: “Mười chín tháng Tám/Ánh sao tự do đưa tới/Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng…”.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội nhanh chóng lan rộng, có tác dụng cổ vũ to lớn, trở thành ngọn cờ đầu, tạo điều kiện để Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 2-9-1945, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), vinh dự chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
Khúc tráng ca“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời, thực dân Pháp lại âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Hà Nội đã anh dũng chiến đấu một mất một còn, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, xứng đáng với thư khen của Người gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại”.
Trong 60 ngày đêm khói lửa ngút trời, người Hà Nội không phân biệt già trẻ, trai gái, vị trí xã hội… đều nhất trí, đồng lòng, kiên cường bám trụ chiến đấu. Mỗi ngôi nhà, góc phố Hà Nội trở thành những trận địa, chiến hào ngăn bước quân thù, hoàn thành nhiệm vụ giam chân quân địch để Trung ương Đảng và Chính phủ rút an toàn lên chiến khu, tạo ra những thời cơ thuận lợi, cơ sở quan trọng để cùng
cả nước kháng chiến thắng lợi. Chiến công có ý nghĩa chiến lược này của Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao: “Giam chân địch ở Hà Nội được một tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội hai tháng là đại thắng lợi”. Vạn Phúc, pháo đài Láng, chợ Đồng Xuân, Trung đoàn Thủ đô, bom ba càng… mãi mãi là những dấu ấn lịch sử vĩnh hằng trong trái tim người dân Thủ đô và cả nước.
Và ngày 10-10-1954, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, Hà Nội bừng sáng cờ hoa, rạng rỡ nụ cười của nhân dân chào đón đoàn quân chiến thắng tiếp quản Thủ đô trong khí thế hào hùng: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/... là đêm tan dần/... Hà Nội bừng tiến quân ca”.
Lẫy lừng chiến thắng“Điện Biên Phủ trên không”
Trong thời kỳ 1954-1975, cả nước tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Hà Nội xứng đáng là niềm tin và hy vọng của cả nước. Tháng 4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.
Khi đế quốc Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc, trong đó có Thủ đô thì Hà Nội vẫn cùng cả nước vững vàng đi lên. Hà Nội lao động sản xuất giỏi với tinh thần “làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa thân thương”. Công nhân, nông dân tại các nhà máy, công trường, cánh đồng… vẫn hăng say làm việc. Sinh viên các trường đại học: Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm… hăng hái viết đơn tình nguyện lên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Hà Nội còn dũng cảm trực tiếp chiến đấu tiêu diệt máy bay thù. Trong đó nổi bật là tháng 12-1972, quân và dân Hà Nội cùng bộ đội Phòng không - Không quân lập nên chiến thắng lẫy lừng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, chủ yếu bằng máy bay chiến lược B52. Chỉ trong 12 ngày đêm, chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ…
Với hào khí Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội đã cùng cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Vì Thủ đô “giàu đẹp,văn minh, hiện đại”
Khi cả nước thống nhất cùng đi lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội lại vững vàng trong tầm vóc mới. Trong sự phát triển mạnh mẽ, thành phố vẫn giữ nét văn hóa và sự thanh lịch của người Tràng An. Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ra đời ngày 28-12-2000 và được thay thế khi ngày 21-11-2012, Quốc hội ban hành Luật Thủ đô quy định rõ về vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển quản lý và bảo vệ Thủ đô; xác định trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, đồng thời cũng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang, nhân dân cả nước.
Trong giai đoạn 2015-2020, Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đặt ra. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 7,39% cao hơn giai đoạn 2011-2015; GRDP bình quân đầu người gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Sự nghiệp văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo; y tế; khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, đạt kết quả quan trọng. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh Thủ đô tiếp tục được củng cố và giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Thành phố đã đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan trung ương, hợp tác, liên kết với các địa phương trong nước, đồng thời tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Điểm đáng chú ý là đúng như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã khẳng định: “Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô Hà Nội từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt”.
Những thành tựu trên là niềm tự hào, là cơ sở quan trọng và nguồn động lực to lớn để Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra. Cụ thể là: “Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD”.
Về định hướng đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045: Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Tự hào và phát huy truyền thống, vững tin ở hiện tại và tương lai, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô đã, đang và sẽ tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng Thủ đô Hà Nội đạt mục tiêu như chủ đề Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.