Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Bắt buộc đeo khẩu trang tại các hoạt động công cộng

Hoàng Lân| 21/10/2020 15:38

(HNMO) - Chiều 21-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo và các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố họp với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở y tế

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại Ukraine và châu Âu. Ở trong nước, tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, đã qua 49 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tại Hà Nội, từ ngày 17-8 đến nay không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, Hà Nội còn ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về. Đến nay, tất cả trường hợp F1, F2 đã hoàn thành việc cách ly y tế. Số người đang phải cách ly tập trung là 1.351 người.

Về tình hình dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, vẫn có nguy cơ dịch có thể quay trở lại với các lý do: Mầm bệnh có thể còn tồn tại trong cộng đồng; nguy cơ dịch xâm nhập khi mở lại các đường bay thương mại và từ những người nhập cảnh trái phép; tâm lý chủ quan của một số người dân, cơ quan, đơn vị và thời tiết mùa đông sắp tới. Vì thế Sở Y tế khuyến cáo các địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Bộ Y tế và thành phố trong đó thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ: Kiểm soát dịch tại các cửa khẩu; tiếp tục tuyên truyền tới người dân không chủ quan, thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp "5K": Đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, khai báo y tế, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác...

Tại cuộc họp, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đơn vị đã thực hiện thu phí trong khu cách ly với mức 120.000 đồng/ngày, gồm tiền ăn và chi phí sinh hoạt cho công dân cách ly. Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng cho biết, hiện một số chi phí như tiền điện, nước khó thu phí, vì thế đơn vị đề nghị những cơ quan liên quan hỗ trợ.

Về vấn đề cách ly tập trung tại các khách sạn có thu phí, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, hiện trên địa bàn có 16 khách sạn được làm nơi cách ly tập trung, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, riêng huyện Sóc Sơn có 2 cơ sở dành riêng cho đối tượng là chuyên gia. Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở phải bảo đảm các tiêu chí: Đủ lực lượng y tế là nhân viên từ trung tâm y tế, cán bộ y tế cấp phường; lực lượng an ninh là công an quận, huyện. 

Về vấn đề bảo đảm an toàn tại các bệnh viện, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện 81/81 bệnh viện đạt mức tiêu chí an toàn, chiếm tỉ lệ 100%. Tuy nhiên, tại các bệnh viện vẫn có sự chủ quan trong phòng, chống dịch, như: Chưa thực hiện phân luồng theo tiêu chí của Bộ Y tế; việc đeo khẩu trang của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vẫn chưa nghiêm túc... Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị các bệnh viện cần phải thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm công tác phòng, chống dịch, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu là giám đốc các bệnh viện. "Sở Y tế sẽ duy trì 4 đoàn kiểm tra và sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát đột xuất các bệnh viện công lập và ngoài công lập, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân", bà Hà cho biết.

Người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động cộng đồng

Liên quan đến việc phòng, chống dịch cho các sự kiện văn hóa, thể thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, trong tháng 10 diễn ra nhiều sự kiện lớn chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Bà Vân Anh thừa nhận, thời gian qua vẫn còn hiện tượng nhiều người dân không đeo khẩu trang khi tham gia các sự kiện ở nơi công cộng.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từ nay đến cuối năm sẽ có 29 sự kiện, trong đó có 2 sự kiện quốc tế. Ngoài ra, Hà Nội cũng tổ chức các giải đấu thể thao tại sân vận động Hàng Đẫy... Bên cạnh đó, từ nay đến quý I năm 2021, Hà Nội cũng chuẩn bị cho nhiều sự kiện văn hóa như các lễ hội, hoạt động chào năm mới, đón Tết Nguyên đán...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Bà Trần Thị Vân Anh cho biết, thời gian tới sẽ yêu cầu những người tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao ngoài trời nghiêm túc đeo khẩu trang. "Sở đề nghị các đơn vị tổ chức cam kết thực hiện việc phòng, chống dịch. Nếu đơn vị nào vi phạm, Sở sẽ có biện pháp xử lý mạnh, cần thiết sẽ dừng hoạt động của các đơn vị trong thời gian tới. Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của UBND thành phố", bà Vân Anh khẳng định.

Về việc phòng, chống dịch trên các phương tiện vận tải, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc giãn cách trong hoạt động giao thông đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, Sở yêu cầu các đơn vị vận chuyển phải nhắc nhở, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi đi xe.

Về phòng, chống dịch trong trường học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin, đã yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch, thực hiện vệ sinh thường xuyên, đo thân nhiệt cho học sinh khi đến lớp...

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố tiếp tục được các báo tập trung đăng tải. Báo chí thế giới đánh giá cao công tác phòng, chống dịch hiệu quả tại Việt Nam. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trong các khu dân cư, cơ quan, đơn vị...

Trong khi đó, các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Trì, Mỹ Đức... đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các chỉ đạo của UBND thành phố. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phòng, chống các dịch bệnh khác.

Có hiện tượng chủ quan ở các cơ quan, người dân

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã kiểm soát tốt tình hình dịch. Tuần qua, Hà Nội thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác kiểm tra như chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, đã xuất hiện biểu hiện chủ quan tại các cơ quan, người dân, nơi công cộng, nhất là việc không đeo khẩu trang.

​Nhận định và dự báo tình hình dịch, đồng chí Ngô Văn Quý cho rằng, có thể xảy ra tình trạng bùng phát dịch trở lại do các nguyên nhân: Có mầm bệnh trong cộng đồng; nguy cơ xâm nhập dịch từ những người nhập cảnh trái phép...

"Nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống thì rất dễ dịch bùng phát trở lại bất cứ lúc nào", đồng chí Ngô Văn Quý nhận định.

Từ nhận định trên, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tập trung một số biện pháp. Đó là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế theo thông điệp "5K". Trong đó, đặc biệt yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang tại tất cả tuyến xe buýt của thành phố, trong công viên, vườn hoa, quảng trường, các sự kiện văn hóa, thể thao, chợ và nơi công cộng khác.

"Các đơn vị phải vừa tuyên truyền, vận động, vừa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu.

Ngoài ra, các trường học, siêu thị, cửa hàng ăn uống, quán bar, vũ trường phải có phương án phòng, chống dịch theo đúng yêu cầu. Bên cạnh đó, các địa phương phải có biện pháp xử lý khoanh vùng, dập dịch ngay nếu phát hiện ca bệnh. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phải đôn đốc các địa phương chuẩn bị vật tư, các thiết bị phòng, chống dịch.​

​Đối với nguồn lây bệnh từ nước ngoài, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý tốt việc nhập cảnh, cách ly, xét nghiệm; quản lý tại khu cách ly tập trung và khách sạn theo đúng quy định.

​Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị phải chú trọng những biện pháp xử lý vi phạm, tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch trên địa bàn mình. Cụ thể, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra đột xuất các cơ sở y tế. Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tại các trường học. Sở Giao thông Vận tải thực hiện phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông công cộng, các tuyến xe buýt nội và ngoại tỉnh ra vào Hà Nội. Sở Công Thương kiểm tra tại các siêu thị, thương mại. Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các sự kiện văn hóa, thể thao.

"Đối với các hoạt động cuối tuần tại phố đi bộ, Sở Văn hóa và Thể thao phải phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm lập các chốt kiểm tra tại phố đi bộ. Người không đeo khẩu trang thì không cho vào", đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu.

Về một số kiến nghị của các đơn vị liên quan, đặc biệt là vấn đề cách ly đối với trường hợp dưới 14 ngày, đồng chí Ngô Văn Quý đề nghị, những trường hợp cách ly 7 ngày tại khách sạn sau đó thực hiện cách ly thêm 7 ngày tại nơi lưu trú cần phải có sự bàn giao rõ ràng. Nếu chưa có bàn giao rõ ràng giữa khách sạn và các địa phương thì những người này vẫn phải thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly.

​"Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm túc phòng, chống dịch, đề nghị các đơn vị, địa phương phải quyết liệt chấn chỉnh việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng", đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Bắt buộc đeo khẩu trang tại các hoạt động công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.