Sau đợt hai điều tiết nước hồ thủy điện, mực nước các sông xuống thấp, dung tích hồ chứa thủy lợi suy giảm, lượng mưa tiếp tục thiếu hụt... làm gia tăng nguy cơ thiếu nước gieo cấy và tưới dưỡng lúa xuân.
Để ứng phó nguy cơ này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm đủ nước sản xuất.
Nguồn nước suy giảm
Trạm bơm Đan Hoài có nhiệm vụ cấp nước trực tiếp và tiếp nguồn cho khoảng 8.000ha sản xuất nông nghiệp tại các quận, huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai. Tuy nhiên, chiều 14-2, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận công trình này không hoạt động.
Lý giải vấn đề này, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài Nguyễn Thạc Kiên chia sẻ: Trạm bơm Đan Hoài chỉ vận hành an toàn và đạt công suất tối đa khi mực nước sông Hồng đạt từ 1,08m trở lên nhưng ngày 14-2, mực nước sông Hồng chỉ đạt 1,05m, không đủ điều kiện vận hành. Để hỗ trợ nhiệm vụ Trạm bơm Đan Hoài, xí nghiệp đã lắp thêm 3 tổ máy, tu sửa 25 tổ máy vận hành tối đa công suất Trạm bơm dã chiến Bá Giang sau mỗi đợt điều tiết nước hồ thủy điện...
Không chỉ Trạm bơm Đan Hoài, nhiều trạm bơm cố định như Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Sơn Đà (huyện Ba Vì), các cống: Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), Lương Phú (huyện Ba Vì)... cũng không thể vận hành do mực nước sông xuống thấp.
Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết, sau mỗi đợt điều tiết nước hồ thủy điện, mực nước sông Đà, sông Hồng giảm, bồi lấp luồng dẫn, ảnh hưởng vận hành Trạm bơm dã chiến Sơn Đà, giảm hiệu suất Trạm bơm dã chiến Trung Hà... Trong khi đó, 13 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn Hà Nội có tổng dung tích chứa gần 156 triệu mét khối làm nhiệm vụ cấp nước gieo cấy, tưới dưỡng khoảng 10.000ha sản xuất nông nghiệp của các huyện, thị xã: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Sơn Tây. Tuy nhiên, tổng dung tích trữ của các hồ hiện chỉ còn khoảng 100 triệu mét khối, giảm hơn 55 triệu mét khối so với thiết kế. Đáng lo ngại, mực nước nhiều hồ xuống rất thấp, như: Kèo Cà, Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) chỉ còn 28-30% dung tích trữ thiết kế; Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) còn 44%; Tân Xã (huyện Thạch Thất) còn 50%...
Theo các đơn vị thủy lợi, từ tháng 10-2024 đến nay, Hà Nội không xuất hiện mưa lớn, thời tiết hanh khô kéo dài khiến nguồn nước hồ thủy lợi suy giảm, đất ruộng nứt nẻ cần lượng nước lớn để đổ ải. Hơn nữa, hai đợt điều tiết nước hồ thủy điện diễn ra sớm, cách xa thời điểm gieo cấy chính vụ...
Chủ động giải pháp ứng phó
Để bảo đảm đủ nước gieo cấy và tưới dưỡng lúa xuân, các đơn vị thủy lợi Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, như: Tu sửa hệ thống lấy nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến thay thế công trình cố định, bám sát diễn biến thủy triều để kịp thời vận hành trạm bơm ven sông... Nhờ đó, kết thúc đợt điều tiết nước cuối cùng vào ngày 14-2, các đơn vị thủy lợi thành phố đã cấp đủ nước cho hơn 90% diện tích gieo cấy lúa xuân. Một số địa phương đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành lấy nước như: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng... Các huyện có diện tích gieo cấy lớn là: Sóc Sơn đã lấy đủ nước cho 78% diện tích, Chương Mỹ 97%, Ba Vì 87%, Đông Anh 75%, Quốc Oai 89%, Mê Linh 90%...
Căn cứ nguồn nước hiện có và khả năng vận hành công trình, các đơn vị thủy lợi của thành phố khẳng định bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ. Tuy nhiên, nếu từ tháng 3 đến tháng 5 không xuất hiện mưa lớn, Hà Nội có nguy cơ thiếu nước tưới dưỡng hàng nghìn héc ta lúa thuộc lưu vực Trạm bơm Sơn Đà (huyện Ba Vì) và hồ thủy lợi thuộc các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 3 và 4-2025, tổng lượng mưa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng tháng 5, lượng mưa có thể cao hơn 10-20%. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, mưa có thể phân bố không đồng đều, tăng nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến mới đây đã yêu cầu các đơn vị thủy lợi theo dõi chặt chẽ nguồn nước, kịp thời vận hành các trạm bơm dã chiến: Sơn Đà, Trung Hà, Bá Giang, Phù Sa, Ấp Bắc, Quang Lãng... để đưa nước lên ruộng phục vụ gieo cấy và dự trữ trong ao, hồ, kênh mương phục vụ giai đoạn tưới dưỡng. Các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước trên ruộng, tránh thất thoát...
Thực hiện chỉ đạo trên, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết: "Chúng tôi nạo vét, tạo luồng dẫn trên sông Đà để vận hành Trạm bơm dã chiến Sơn Đà, không để đồng ruộng khô hạn". Còn Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức Đoàn Văn Thắng thông tin: "Chúng tôi tăng cường vận hành các trạm bơm lấy nước từ sông Đáy như Đức Môn, Tân Độ, Áng Thượng, Đại Nghĩa; đồng thời lắp đặt Trạm bơm dã chiến Phú Liễn để hỗ trợ cấp nước do vùng hồ Quan Sơn đảm nhiệm"...
Bên cạnh những nỗ lực từ ngành chức năng, nông dân Hà Nội cũng cần đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và tích cực bảo vệ nguồn nước ngay từ thời điểm này để bảo đảm vụ lúa xuân đạt năng suất cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.