(HNM) - Trong ba đội bóng Hà Nội dự V.League 2011, Hà Nội ACB yếu kém nhất, đương nhiên phải xuống hạng. Hỏi người ở đây có đau không thì họ bình thản trả lời:
HN.ACB (áo sẫm) phải nỗ lực rất nhiều mới có thể quay lại V.League. Ảnh: Hồ Ý |
Quyền lực của ông chủ là tuyệt đối
Ông chủ đội bóng Nguyễn Đức Kiên không thiếu tiền nhưng từ nhiều năm nay vẫn luôn hướng đến sự hợp lý trong chi tiêu, bất chấp nơi khác đua nhau thưởng. Sự hợp lý ấy bắt nguồn từ một chính sách chi tiêu mang thông điệp rõ ràng rằng ở Hà Nội ACB không có chuyện cầu thủ làm ông chủ. Ở V.League, các ông chủ luôn phải treo thưởng cao để kích thích tinh thần thi đấu của cầu thủ. Cách làm đó khiến vai trò ông chủ nhạt hẳn vì họ trở thành người bị động. Cầu thủ bắt thóp ông chủ nên cứ thi đấu tròn vai. Chỉ đến khi được treo thưởng lớn mới gồng mình lên. Điều ấy khác hẳn với các nền bóng đá chuyên nghiệp khác, nơi giá trị cầu thủ được định giá bằng lương tháng, lương tuần, còn thưởng theo từng trận chỉ rất nhỏ. Thưởng lớn phụ thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng và thành tích cuối mùa sẽ quyết định tất cả.
Khác nhiều đội bóng ở V.League, ở Hà Nội ACB, cầu thủ không còn hỏi nhau cũng như hỏi ông chủ rằng thắng trận này sẽ được thưởng bao nhiêu. Khung thưởng đã có từ đầu giải và cứ thế mà áp dụng. Lúc nào ông chủ thích thì thưởng thêm, không thì thôi. Người ở Hà Nội ACB đã phải công nhận rằng, ở đội bóng này, quyền lực của ông chủ là tuyệt đối. Thậm chí, không ai dám đề xuất "đi đêm" với các đội khác để trụ hạng vì biết rằng sẽ bị ông chủ mắng không thương tiếc. Quan điểm "không đi đêm, không đổi chác điểm với các đội khác, không mua trọng tài" được quán triệt khiến Hà Nội ACB trở thành đội bóng được đánh giá là "sạch" nhất V.League. Ai cũng thừa hiểu, bóng đá với ông Nguyễn Đức Kiên chỉ là cuộc chơi chứ không phải chỗ mua danh.
Thế nhưng, nếu có thể hiểu được về cách chi tiêu, cách nói "không" với "đi đêm" ở đội bóng này thì lại khó hiểu trước việc các HLV trưởng hầu như không có quyền tự quyết trong điều hành đội bóng. Hà Nội ACB phức tạp là vì thế. Các HLV không thể phát huy được khả năng, muốn xử lý nghiêm cầu thủ "phá rào" cũng khó. Đấy cũng là lý do khiến đội bóng này không hội tụ được hết sức mạnh.
Thay đổi thế nào?
Đây không phải lần đầu Hà Nội ACB xuống hạng nên có thừa kinh nghiệm để trở lại chuyên nghiệp. Hiện tại, sau khi mãn hạn hợp đồng 2 năm, HLV Mauricio Luis đã trở về nước và chưa biết có được ký lại hợp đồng hay không. Nhiều khả năng, cựu cầu thủ cũng như HLV Hà Nội ACB này sẽ không được tái ký hợp đồng sau khi thể hiện năng lực huấn luyện có hạn dù đã được ông chủ Nguyễn Đức Kiên trao khá nhiều quyền. Có lẽ trong lịch sử Hà Nội ACB, Mauricio là HLV được ông chủ "chiều" nhất bởi hầu hết đề xuất của Buly (tên gọi thân mật của HLV này) đều được chấp nhận. Ngay cả khi Hà Nội ACB thua liểng xiểng thì vị trí của Buly vẫn vững như bàn thạch trong khi nếu ở đội bóng khác tại V.League thì đã bị sa thải từ lâu. Trình độ còn hạn chế cũng như việc để xảy ra va chạm với hàng loạt cầu thủ khiến vai trò của Buly ở Hà Nội ACB không còn rõ rệt như hồi đầu năm 2010. Không kể Mauricio còn kiêm vai trò môi giới cầu thủ nên khó toàn tâm toàn ý cho đội bóng. Nhưng mọi thứ đều có thể xảy ra và không biết chừng, Buly vẫn tại vị. Cũng đã có một số nhà môi giới bắn tin rằng sẽ mang đến cho Hà Nội ACB những HLV có trình độ tốt hơn hẳn Mauricio, đang cần gây dựng thương hiệu tại Việt Nam. Và chính người trong đội thừa nhận, ở thời điểm này, một HLV ngoại là tốt nhất cho Hà Nội ACB.
Riêng về cầu thủ, ở Hà Nội ACB sẽ chỉ có xáo trộn trong nhóm cầu thủ ngoại. Lucas Cantoro, chân sút xuất sắc nhất mùa qua của Hà Nội ACB cũng không chắc chắn gắn bó với đội bóng này, chỉ có trung vệ Sesay chắc chắn ở lại. Còn những cầu thủ nội từng gắn bó ở mùa giải 2011 sẽ không nhiều thay đổi. Lê Văn Tân, Lê Văn Phát sẽ trở về CLB cũ sau thời gian cho mượn. Phạm Thành Lương - cái tên được chú ý nhất - sẽ là cánh chim đầu đàn cùng nhóm cầu thủ trẻ đưa đội trở lại hạng chuyên nghiệp. Hà Nội ACB lúc này cũng chỉ trông vào các cầu thủ trẻ, bởi mức lương ở đây không thể hấp dẫn những người nổi tiếng. Nhưng họ cần được tin tưởng để thể hiện hết mình, HLV phải được toàn quyền về chuyên môn thì Hà Nội ACB mới có thể sớm trở lại hạng chuyên nghiệp và trụ vững ở đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.