(HNM) - Không ồn ào trên thị trường chuyển nhượng với những hợp đồng "bom tấn", Hà Nội ACB lẳng lặng bước vào mùa giải 2011. Nhưng như vậy mới là Hà Nội ACB của những mùa giải gần đây.
Sau ngày Hà Nội ACB giành quyền trở lại hạng chuyên nghiệp, đã có hàng loạt tin đồn về việc đội bóng Thủ đô chiêu mộ từ G.Merlo (SHB Đà Nẵng) đến Leandro (XM Hải Phòng). Nhưng cuối cùng, tin đồn vẫn chỉ là tin đồn. Cái thời LG Hà Nội ACB dám chiêu mộ hàng loạt "sao" như vụ đưa về Vua phá lưới Achilefu từ Nam Định cách đây 7 năm đã qua. Chẳng có ngôi sao nào từ giải chuyên nghiệp tới đầu quân cho đội bóng này. Vấn đề không phải vì ông chủ của đội bóng thiếu tiền. Ở đây lại thuộc về quan niệm tiêu tiền mà có người cho là "chắc tay" quá, có người lại cho là "căn cơ".
Chẳng biết thế nào, chỉ biết sau đó Hà Nội ACB thử việc cầu thủ ngoại từ mọi nguồn, đến từ mọi nơi và bằng nhiều phương tiện khác nhau: từ máy bay đến xe khách, từ nguồn của chính HLV trưởng Mauricio (trước đây từng làm nghề môi giới cầu thủ) đến Achilefu (cựu cầu thủ của đội). Chiếc xe 47 chỗ mới cáu cạnh (có lẽ đấy là cái mới đầu tiên của đội bóng ở mùa giải này) nhiều lúc chật kín người - trong đó có cả chục cầu thủ ngoại thử việc, trên đường tới sân tập. Nhưng cầu thủ nhiều mà chẳng mấy người khiến các ông bầu ưng ý. Nếu cứ đặt tiêu chí là có những cầu thủ ngang bằng trình độ trung vệ Seasay - một món hời mà Hà Nội ACB chiêu nạp được cách đây vài năm, thì có lẽ không cầu thủ nào, nhất là ở vị trí trung vệ và tiền vệ phòng ngự, đạt tới. Có những trung vệ ngoại đến thử việc, trình độ tệ đến nỗi chính những cựu cầu thủ sắp sang tuổi 40 còn dám tự tin nói rằng chỉ "lùa" một lúc là mất vị trí ngay. So bó đũa chọn cột cờ, cuối cùng Hà Nội ACB cũng chọn được Lucas (Argentina, tiền đạo) và Angelo (Uruguay, tiền vệ) và chỉ hai tuần trước mùa giải mới CLB vẫn sốt sắng tìm một tiền đạo ngoại nữa. Thế nhưng lương ở đây khó có thể gọi là "miền đất hứa" với những tiền đạo có cỡ nên công cuộc tìm kiếm xem chừng còn lắm gian nan.
Khác nhiều đội bóng vừa lên hạng và hút chết trụ hạng đã vội vung tiền để sắm cầu thủ nội có đẳng cấp, Hà Nội ACB vẫn bình chân như vại, thậm chí còn cho phép một số cầu thủ ra đi. Không cầu thủ có "số má" nào đầu quân cho Hà Nội ACB. Đội bóng Thủ đô không mua mới, chỉ mượn Lâm Tấn, Văn Thắng từ Sông Lam Nghệ An nhằm bù lấp một số vị trí đã chuyển tới đầu quân cho Thanh Hóa, Navibank Sài Gòn. Còn lại những Thành Lương, Xuân Thành, Đức Tuấn vẫn ở lại làm đầu tàu cùng hàng loạt cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nội ACB cũng như các cầu thủ đã đầu quân cho đội từ mùa giải trước. Có lẽ đây là lựa chọn của Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên bởi không ít lần ông đã khẳng định Hà Nội ACB sẽ có cách đi riêng. Cách đi ấy hao hao Sông Lam Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Tháp khi chủ yếu sử dụng những cầu thủ cây nhà lá vườn. Tuy nhiên, khác những đội bóng kia - luôn phải nhìn trước ngó sau chuyện tiêu tiền, Hà Nội ACB có thể đưa ra mức lương thưởng cao để các cầu thủ "cây nhà lá vườn" gắn bó lâu dài với đội. Điều này lại phụ thuộc vào quyết định của ông chủ đội bóng.
Hai mùa giải gần đây, xem Hà Nội ACB thi đấu cũng có cái hay vì luôn tung vào sân nhiều cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB. Nhưng nếu cho rằng đội sẽ đoạt thành tích cao tại giải chuyên nghiệp mùa này thì thật khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.