Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội

Hoài Thu| 31/10/2021 10:36

(HNMO) - Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đây là một trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 29-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Kết luận số 06-KL/TƯ ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định đây là một nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chỉ đạo các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương với việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, nhất là tại địa bàn có chất lượng tín dụng còn thấp so với mặt bằng chung của toàn thành phố.

UBND các cấp tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội và quan tâm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trong triển khai tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách xã hội và rà soát, xác nhận đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, chất lượng công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội và chất lượng tín dụng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung các nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội; Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt là nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn…

Đối với Đảng đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.