Trong các ngày từ 15-17/7, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử 16 bị cáo trong vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam (viết tắt là Trung tâm 29-02V).
Trong số 16 bị cáo có 14 bị cáo là cán bộ, lãnh đạo Trung tâm 29-02V bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 2 - Bộ luật Hình sự, gồm: Đào Mạnh Thắng (sinh năm 1970, Giám đốc Trung tâm), Đỗ Văn Thụ (sinh năm 1977, Phó Giám đốc), Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1979, Phó Giám đốc); 11 đăng kiểm viên Trung tâm 29-02V gồm: Hoàng Trọng Trình (sinh năm 1985), Tô Văn Hải (sinh năm 1991), Phạm Thế Đạt (sinh năm 1984), Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1987), Hà Việt Hòa (sinh năm 1984), Trần Tiến Vượng (sinh năm 1969), Đào Việt Tân (sinh năm 1978), Đặng Hồng Hải (sinh năm 1976), Trần Mạnh Long (sinh năm 1987), Ninh Trung Kiên (sinh năm 1976), Hoàng Lâm Giang (sinh năm 1971).
Hai bị cáo còn lại gồm: Phạm Viết Điệp (sinh năm 1977), Nghiêm Hồng Quang (sinh năm 1978) cùng ở thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 1 - Bộ luật Hình sự.
Tòa tuyên phạt bị cáo Thắng 33 tháng tù, bị cáo Thụ và Trường cùng lĩnh 31 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 7 tháng tù đến 31 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tại phiên tòa, đã làm rõ: Quá trình công tác tại Trung tâm 29-02V (địa chỉ tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội), thời gian từ tháng 11-2019 đến tháng 2-2023, 14 bị cáo thuộc Trung tâm 29-02V nêu trên đã có hành vi nhận hối lộ của các chủ phương tiện, lái xe đến đăng kiểm với tổng số tiền nhận hối lộ 454 triệu đồng để tạo điều kiện đăng kiểm nhanh, bỏ qua một số lỗi vi phạm của phương tiện trong quá trình đăng kiểm (bao gồm công tác kiểm định xe cơ giới và nghiệm thu cải tạo xe cơ giới).
Ngoài ra, trong thời gian từ tháng 3-2022 đến tháng 12-2022, bị cáo Trần Mạnh Long công tác tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-05V (địa chỉ tại số 49 Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) đã có hành vi nhận hối lộ của các chủ phương tiện, lái xe đến đăng kiểm với tổng số tiền 9,6 triệu đồng.
Hai bị cáo Phạm Viết Điệp và Nghiêm Hồng Quang Hành đã có hành vi đưa hối lộ cho các đăng kiểm viên tại Trung tâm 29-02V để được tạo điều kiện kiểm định nhanh và được bỏ qua một số lỗi vi phạm của phương tiện trong quá trình kiểm định. Trong đó, Phạm Viết Điệp đã đưa hối lộ 2,8 triệu đồng, Nghiêm Hồng Quang đưa hối lộ 7,7 triệu đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo đưa và nhận hối lộ đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức, xâm hại đến các quyền, lợi ích của công dân, là một trong những loại tội làm thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ trong bộ máy nhà nước và các tổ chức, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với hiệu lực quản lý nhà nước, gây sự phẫn nộ, bất bình lớn trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Đây là vụ án đồng phạm, chung ý chí thực hiện hành vi, không chứng minh được bị cáo Thắng có sự chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, nhưng các bị cáo cùng chung ý chí thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Thắng là Giám đốc, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính, trực tiếp chỉ đạo nên chịu mức hình phạt cao nhất trong số các bị cáo trong vụ án. Bị cáo Thụ và Trường đều là Phó Giám đốc, những người ký giấy đạt đăng kiểm, phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng công việc nhưng vì lợi ích mà lơ là, tạo điều kiện cho anh em phạm tội nên hình phạt thấp hơn bị cáo Thắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.