Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đã phối hợp công an các địa phương, tổ chức chính trị, xã hội hoàn thiện hồ sơ, giải ngân cho 13 gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền 1 tỷ đồng.
Ngày 17-8-2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (Quyết định 22) quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ 10-10-2023.
Chương trình đang được triển khai tích cực trên địa bàn thành phố Hà Nội, được các địa phương, người dân liên quan đánh giá cao, đem lại nhiều hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự tại địa phương.
Anh N.K.H (ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) phấn khởi cho biết, sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương, anh được Công an, Hội Phụ nữ xã, tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Anh đã đầu tư số tiền được vay vào chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, trồng cây mai cảnh.
“Tôi may mắn được tiếp cận nguồn vốn chính sách, các thành viên trong gia đình đều rất phấn khởi, động viên nhau cùng cố gắng sản xuất tốt để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và dành một phần trả cho ngân hàng”, anh H vui mừng nói.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Hồng Lê chia sẻ: Thủ tục khá đơn giản, người vay được cán bộ cơ sở hỗ trợ tối đa các thủ tục như đơn vay vốn, kết nạp thành viên… và giải ngân ngay tại UBND xã theo các phiên giao dịch định kỳ.
Với số tiền được vay vốn theo Quyết định 22, anh H và những người từng lầm đường lạc lối có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội...
Đại diện Công an huyện Ba Vì khẳng định: Nếu các đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương không có việc làm ổn định, rất dễ có nguy cơ tái phạm. Việc triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù rất phù hợp, đáp ứng mong mỏi nguyện vọng đa số đối tượng chấp hành xong án phạt và trở về địa phương. Quyết định này đi vào cuộc sống không chỉ góp phần hạn chế tỷ lệ tái phạm tội mà còn giúp những đối tượng đặc thù này thụ hưởng chính sách một cách bền vững.
Không riêng Ba Vì, các địa phương của Hà Nội cũng tích cực triển khai chương trình tín dụng chính sách mới này của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, sau khi Quyết định số 22 được ban hành, Chi nhánh đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Đơn vị cũng phối hợp với chính quyền địa phương và công an cơ sở rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn, tham mưu UBND thành phố phân bổ nguồn vốn cho vay đến các quận, huyện, thị xã bảo đảm đúng người, đúng đối tượng.
Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai đáp ứng nhu cầu rất kịp thời, thiết thực, phù hợp nguyện vọng, cung cấp nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn chính sách để học nghề, đầu tư sản xuất kinh doanh; cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sinh kế cho những người chấp hành xong án phạt tù làm lại cuộc đời, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội...
Sau gần một tháng triển khai thực hiện, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội khẩn trương phối hợp công an các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác tập trung rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn, hoàn thiện hồ sơ, giải ngân cho 13 gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền 1 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.