Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội 12 ngày đêm: Khát vọng và vinh quang

Vân An| 28/12/2012 23:17

(HNMO) – Tối 28-12, Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức chương trình giao lưu tọa đàm với các nhân chứng lịch sử của chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Dự chương trình có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.


“Hà Nội 12 ngày đêm khát vọng và vinh quang” là một chương trình công phu được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 40 sự kiện Điện Biên Phủ trên không. Chương trình thực sự đã để lại ấn tượng xúc động khó quên với tất cả khán giả bởi những hình ảnh, những ký ức, những câu chuyện về những con người đã sống, chiến đấu và hi sinh trong 12 ngày đêm ác liệt ấy với sự chân thực đến tận cùng.

Ảnh: VTV


Chương trình được chia thành 3 chương với mạch truyện rõ ràng. Chương 1 nói về những bí mật chưa bao giờ được tiết lộ về chiến lược quân sự của quân đội nhân dân Việt Nam đặc biệt là lực lượng phòng không – không quên trong 12 ngày đêm lịch sử. Chương 2 nói về cuộc chiến trên bầu trời. Chương 3 là những câu chuyện cảm động về Việt Nam – nơi thức tỉnh lương tri, kể về phong trào phản chiến của bạn bè quốc tế ủng hộ Hà Nội, ủng hộ Việt Nam, trong đó có cả người dân của đất nước bên kia chiến tuyến.

Chương trình mở đầu bằng những hình ảnh về Phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai đổ nát, tan hoang sau những đợt ném bom rải thảm của máy bay Mỹ vào những ngày cuối năm 1972, trên nền bản nhạc giao hưởng “Hồi ức chiến tranh” của nhạc sĩ Phú Quang và những hồi ức đau thương của các nhân chứng lịch sử.

Sau 40 năm, những hình ảnh Thủ đô Hà Nội bị tàn phá, những gia đình tan nát vì bom đạn, những ký ức về những ngày tháng anh hùng, những chiến công anh dũng… của quân và dân Hà Nội một lần nữa được đánh thức, được sống dậy thật cảm động. Và cũng sau 40 năm, nhiều bí mật của lịch sử bây giờ mới được tiết lộ.

Đến với chương trình, Phó giáo sư, tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giải đáp câu hỏi lớn: Làm sao Việt Nam có thể bắn hạ được B52 - thứ vũ khí được người Mỹ coi là “bất khả chiến bại”.

Vị trung tướng khẳng định, B52 không phải là một con ngáo ộp bởi gây nhiễu rada là một thủ đoạn hàng đầu của B52 để phá lưới phòng thủ của đối phương. Vì vậy, muốn đánh B52 thì phải phá được bộ nhiễu của nó.

Từ năm 1966, ông cùng đồng đội thuộc Tiểu đoàn trinh sát nhiễu đã có mặt tại Quảng Bình để nghiên cứu về cách đánh máy bay B52 và thấy rằng, B52 có những điểm yếu có thể tận dụng để đánh, tiêu diệt.

Sau những mày mò, một phương pháp đánh B52 rất khoa học, sáng tạo đã được xây dựng: phương pháp đánh 3 điểm. Với cách đánh này, chúng ta đã khai thác được tối đa các điểm yếu của B52 khi loại máy bay này thọc sâu vào vùng đất Thủ đô Hà Nội.

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là chính ông Thu đã đề xuất sử dụng một loại rada thuộc hàng “sắp được đưa vào bảo tàng” để phát hiện máy bay B52. Bởi chính loại rada này có tần số làm việc ứng với dải sóng mà ở đó B52 không gây nhiễu được. Kết quả cho thấy, loại rada này bắt sóng rất tốt, chỉ dẫn rất tốt cho tên lửa bắn rơi B52. Có mặt trong đoàn làm việc vào hỏi cung các phi công Mỹ bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Thu đã từng hỏi một sĩ quan điện tử B52 của Mỹ xem liệu phía Mỹ có thu được tín hiệu của rada dải sóng này không thì được trả lời là có nhưng họ đã không quan tâm vì đó là rada của pháo tầm thấp, không thể gây nguy hiểm cho B52.

Một bí mật lịch sử khác cũng tiếp tục được bật mí đó là: Làm thế nào Việt Nam lại có thể có thông tin chính xác, kịp thời về các chiến dịch ném bom của Mỹ để chủ động và sẵn sàng ứng phó?

Câu hỏi này được Đại tá Trần Văn Tụng, Trung đoàn trinh sát kỹ thuật, Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng giải đáp. Vào những năm 60, tại một căn nhà ở Xuân Đỉnh, Hà Nội, Trung đoàn trinh sát kỹ thuật, Cục 2 (cục tình báo) của Bộ Quốc phòng đã ra đời.

Là 1 trong 10 sinh viên của trường ngoại giao được tuyển vào Cục 2, ông Tụng cùng các đồng đội được giao nhiệm vụ nắm thông tin về không quân Mỹ. Lúc đó, Trung Quốc đã cung cấp cho Việt nam thông tin về việc không quân Mỹ sẽ đánh leo thang ra miền Bắc, nhưng chúng ta chưa biết cách làm thế nào để có tin cụ thể hơn. Sau những mày mò, phán đoán từ các thông tin trinh sát có được, trung đoàn của ông dần dần đã hình thành được nhiều bộ giải mã tin, từ đó dự đoán chính xác thời gian, địa điểm, số lượng máy bay Mỹ sẽ tham chiến, giúp phục vụ đắc lực cho quân đội ta trong việc đương đầu với cả hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của quân đội Mỹ.

Đặc biệt, vào những ngày cuối tháng 12/1972, Trung đoàn trinh sát của ông cũng đã phán đoán chính xác việc Mỹ sắp tổ chức đánh lớn, báo cáo cấp trên và sau đó, trong 3 ngày liên tục, Hà Nội cùng các tỉnh lân cận đã sơ tán hàng chục vạn dân tới nơi an toàn.

Câu chuyện về cuộc chiến trên bầu trời Hà Nội được mở đầu bằng những dòng nhật ký đầy xúc động của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát. Những dòng viết của ông cho thấy, lực lượng không quân của Việt Nam đã đối đầu với máy bay Mỹ từ rất sớm, từ khi chúng ta còn chưa biết đến trận Điện Biên Phủ trên không. Để chuẩn bị cho chiến dịch 12 ngày đêm, lực lượng phòng không không quân Việt Nam đã rất cẩn trọng. Trong 12 ngày đêm ấy, lực lượng phi công của ta tham gia đánh máy bay Mỹ chỉ có khoảng 14-15 đồng chí, nhưng số lượng máy bay ta bắn rơi thì thật đáng tự hào, riêng B52 đã là hơn 30 chiếc.


Phi công Hoàng Tam Hùng đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ trong trận "Điện Biên Phủ trên không" trước khi hy sinh


Tuy nhiên, vượt lên trên những dòng ký ức hào hùng về những chiến thắng, những cuộc giao tranh ác liệt để bảo vệ bầu trời tổ quốc, điều đọng lại sâu lắng trong tâm trí người xem là những tình cảm ấm áp, thân thương của những người đồng chí, đồng đội. Người xem bắt gặp trong nhật ký của ông những câu chuyện rất xúc động, những dòng chia sẻ thật thân thương về những người đồng chí, những người bạn cùng sát cánh bên nhau, trong đó có câu chuyện về hai người phi công trẻ: Vũ Xuân Thiều và Hoàng Tam Hùng đã bắn rơi máy bay Mỹ và đã anh dũng hi sinh trong ngày 28/12/1972.

Là một đồng đội của ông Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân cũng đến với chương trình và chia sẻ về tâm trạng, cảm xúc của các phi công Việt nam khi bay trên bầu trời Hà Nội. Những ngày tháng 12 năm ấy, khi chiến đấu trên bầu trời Thủ đô, ông Tuân cũng có chút lăn tăn, lo lắng, bởi rất có thể những viên đạn lạc của dân quân trúng máy bay mình, rồi tầm trung, tầm cao đều có tên lửa của ta bay ngang, bay dọc… Nhưng những lo lắng ấy được khỏa lấp bằng sự yên tâm, vì ông biết ông đang bay trên bầu trời của Việt Nam, của quê hương và những làn đạn kia là những làn đạn hiệp đồng, giúp các ông tìm đánh B52. Đây chính là sức mạnh tổng hợp khiến dân quân Việt Nam chưa lần nào bắn nhầm máy bay của ta.

Chia sẻ của Trung tướng Phạm Tuân đã giúp trả lời cho một băn khoăn của một phi công Mỹ tên Brian gửi đến chương trình. Trái ngược với xúc cảm của ông Phạm Tuân, khi bay sang đất nước đối phương, bay vào mục tiêu dưới làn đạn rực lửa, ông Brian đã không hề có chút yên tâm. Ông đã hoảng sợ, căng thằng khi nhận nhiệm vụ và ông đã khóc sau khi quay về căn cứ ở Guam. Giờ đây, nếu có điều ước, ông Brian mong rằng, ông đã không thực hiện nhiệm vụ vào những ngày cuối tháng 12 cách đây đúng 40 năm.

Sau những chia sẻ từ những người trong cuộc, người xem được gặp gỡ với các nhân vật thú vị khác: đó là ông Tom Hyden, một nhà phản chiến Việt Nam đến từ Mỹ và bà Tôn Nữ Thị Ninh, từng tham gia phong trào phản chiến ở châu Âu những năm 60-70 khi còn là một sinh viên trí thức Việt kiều.

Bà Ninh cho biết, những năm đó, tại Pháp, phong trào giải phóng dân tộc đang lên rất cao và các sinh viên Việt Nam thời đó đã rất tích cực xuống đường biểu tình chống chiến tranh. Chính tinh thần yêu nước đã thúc giục bà Ninh từ Pháp trở về để tham gia vào phong trào cách mạng của dân tộc.

Còn ông Tom tâm sự, khi xem hình ảnh một nhà sư Việt Nam tự thiêu để phản chiến, ông đã bị sốc và đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động phản chiến ngay tại Mỹ. Những người phản chiến như ông đã từng bị quy tội là thân cộng, bị tẩy não.Nhưng khi Mỹ tiếp tục leo thang cuộc chiến ở Việt Nam, phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ đã lên rất cao và năm 1964, ông đã đặt chân tới Việt Nam và hiểu rằng, cần phải phá bỏ sự phong tỏa thông tin đại chúng của chính phủ Mỹ để người dân Mỹ có được những thông tin chân thực nhất. Sau đó, ông đã nhiều lần sang Việt Nam.

Thời điểm Mỹ ném bom B52 ở Hà Nội, một thời điểm được chính quyền Mỹ lựa chọn khôn ngoan vì vào dịp Noel, Quốc hội Mỹ và những người biểu tình đều nghỉ, vẫn có một số người Mỹ đã đứng giữa bom đạn ở Hà Nội để viết về những trận ném bom này, gióng lên những tiếng nói lương tri với người dân Mỹ, giúp nhiều người Mỹ thức tỉnh.

Câu chuyện của những người lính như ông Soát, ông Tuân, ông Thu, ông Tụng… hay của những người từng tham gia phản chiến như ông Tom, bà Ninh… đã giúp vẽ nên một bức chân dung thật đầy đủ về Hà Nội 12 ngày đêm những năm 1972 đầy khát vọng và vinh quang. Xen lẫn giữa những bài hát, điệu múa, câu chuyện chân thực của những con người của lịch sử ấy đã thể hiện, chất chứa được mọi cung bậc tình cảm và niềm tự hào tột cùng về những tháng ngày không thể nào quên của quân dân Hà Nội, của đất nước Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội 12 ngày đêm: Khát vọng và vinh quang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.