(HNM) - Cuộc xung đột Nga - Ukraine góp phần khiến giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt. Để có thể “hạ nhiệt” khủng hoảng lương thực toàn cầu, Liên hợp quốc đang phối hợp với các nước nhằm tăng nguồn cung lương thực, trong đó có nỗ lực gỡ bỏ rào cản đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine.
Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về hợp tác và phát triển (UNCTAD) Rebecca Grynspan đã tới Mátxcơva hôm 31-5 thảo luận với giới chức Nga về việc đưa các mặt hàng lúa mì, phân bón của Nga trở lại thị trường, giúp giảm mối lo mất an ninh lương thực toàn cầu. Quan chức UNCTAD cũng đang thảo luận với phía Mỹ về vấn đề này.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (đã đến thăm Mátxcơva và Kiev vào tháng trước) cũng đang cố gắng nối lại cả xuất khẩu lương thực của hai quốc gia này. Phát biểu trước báo giới ngày 1-6, ông A.Guterres cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực đã ảnh hưởng đến người dân và những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu lúa mì số 1 và số 5 thế giới. Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Tại Ukraine, nơi được coi là "vựa" lúa mì của châu Âu, xung đột đã khiến lúa mì chưa thu hoạch được, trong khi các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách. Ước tính sản lượng ngũ cốc của Ukraine vụ mùa này có thể giảm hơn 50%. Xung đột cũng đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển ở Biển Đen, hạn chế xuất khẩu từ Ukraine và Nga. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã giảm hơn một nửa trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Việc hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu. Nông dân ở Brazil, Mỹ và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón và điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa sau này.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine là yếu tố hàng đầu khiến giá hàng hóa tăng cao kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm 1% vào năm 2022. Cùng với tác động tàn khốc của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, phân tích sơ bộ cho thấy có tới 1,7 tỷ người tại 107 nền kinh tế - chủ yếu ở châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribe, đang phải đối mặt với ít nhất một trong 3 tình trạng tăng giá (lương thực, năng lượng, tài chính).
Trong bối cảnh này, cuối tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Theo đó, nhà lãnh đạo Nga cho biết, Mátxcơva sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở từ các cảng của Ukraine với sự phối hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tuyên bố Nga có thể vận chuyển phân bón và nông sản nếu các lệnh trừng phạt đối với Mátxcơva được dỡ bỏ. Còn Ukraine đang thực hiện một chiến dịch quốc tế do Liên hợp quốc dẫn đầu để bảo đảm một tuyến đường an toàn cho xuất khẩu thực phẩm. Về phần mình, Mỹ cho biết sẽ không trừng phạt trực tiếp các mặt hàng ngũ cốc, phân bón của Nga và sẽ khuyến khích các công ty vận tải tạo thuận lợi cho Nga xuất khẩu các mặt hàng trên.
Có lẽ không có lĩnh vực nào mà nguồn cung dễ bị tổn thương hơn lương thực. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nhiều quốc gia xuất khẩu ngũ cốc quyết định chuyển sang giữ nguồn cung. Điều đó có thể dẫn đến một hiệu ứng domino nguy hiểm là chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, gây tổn hại đến các quốc gia nghèo và các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.