(HNM) - Thời gian gần đây, dư luận hết sức quan tâm tới thông tin hạ mực nước hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội) nhằm phục vụ một dự án du lịch. Trong khi hiệu quả từ việc thay đổi nhiệm vụ thiết kế hiện tại, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí, cảnh quan thiên nhiên, môi trường của hồ Suối Hai để phát triển du lịch chưa được tính toán hết thì đã có nhiều ý kiến, nhất là từ phía các nhà khoa học, tỏ ra đặc biệt lo ngại trước những tác động khó lường nếu việc hạ mực nước hồ Suối Hai được thực hiện...
Nếu hạ mực nước, hồ Suối Hai sẽ không còn mênh mang, thơ mộng như bây giờ. Ảnh: Nguyên An |
Sáu năm chưa xong quy hoạch
Hồ Suối Hai được khởi công xây dựng năm 1958, hoàn thành và được đưa vào sử dụng năm 1964 với nhiệm vụ chính theo thiết kế là trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và cải tạo môi trường sinh thái, đồng thời cắt lũ cho hạ du huyện Ba Vì. Hồ Suối Hai có cao trình đỉnh đập 29m, mực nước dâng bình thường 24,85m (tương đương dung tích 46,5 triệu mét khối), hiện tại bảo đảm nước tưới cho 4.500ha đất canh tác. Ngày 25-10-2006, UBND tỉnh Hà Tây có văn bản số 4915/UBND-CNXD đồng ý cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tổng thể khu vực hồ Suối Hai. Ngày 25-9-2007, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 1768/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên thuộc Khu du lịch hồ Suối Hai. Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 0312100162 (ngày 29-11-2007). Tuy nhiên, sau đó tỉnh Hà Tây được hợp nhất vào Hà Nội theo Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố phải rà soát lại nên việc xem xét, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án tỷ lệ 1/500 chưa thực hiện được. Đến ngày 13-5-2010, UBND TP Hà Nội có văn bản số 3362/UBND-XD đồng ý về nguyên tắc tiếp tục triển khai dự án trên. Song để lập quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/500 lại liên quan tới thay đổi nhiệm vụ thiết kế của hồ Suối Hai. Ngày 3-4-2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có Tờ trình số 47/SNN-KH gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư kèm theo hồ sơ đề nghị chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án nghiên cứu thay đổi nhiệm vụ hồ Suối Hai. Theo đó, hồ Suối Hai được đề xuất hạ mực nước từ cao trình 24,85m xuống 23m để tăng thêm diện tích 200ha đảo nổi, giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án du lịch(?).
Hậu quả khôn lường
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, việc nghiên cứu thay đổi nhiệm vụ hồ Suối Hai là cơ sở cho phép triển khai quy hoạch Khu du lịch hồ Suối Hai, trong đó có dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên do Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Để thay đổi nhiệm vụ hồ Suối Hai từ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ cho hạ du, bảo đảm an toàn cho các công trình và người dân trong khu vực sang phát triển du lịch, dịch vụ phải đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới rất nhiều hạng mục như tràn xả lũ, kênh dẫn hạ lưu sau tràn, đập chính, cống lấy nước và kênh, trạm bơm tưới cho khoảng 400ha khu vực xã Thụy An... với tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng phải tính toán đầu tư xây dựng các công trình để bảo đảm vẫn có thể hỗ trợ cấp nước tưới khi mực nước sông Đà xuống thấp mà trạm bơm Trung Hà không đảm nhận được, cũng như bảo đảm an toàn hồ chứa.
Nếu hạ mực nước hồ Suối Hai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ảnh: Kiên Trung |
Sau khi có thông tin về việc thay đổi nhiệm vụ hồ Suối Hai, nhiều ý kiến, nhất là phía các nhà khoa học, tỏ ra đặc biệt lo ngại trước những tác động khó lường do việc hạ mực nước hồ. Tại buổi tiếp xúc chuyên đề với đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, PGS - TS Khổng Doãn Điền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội Cơ học Hà Nội, đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, phân tích những ảnh hưởng đáng lo ngại nếu hạ thấp mực nước hồ Suối Hai. Những ý kiến này đã được chuyển tới đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Theo PGS - TS Khổng Doãn Điền, nếu hạ thấp mực nước hồ từ cao trình 24,85m xuống cao trình 23m thì phải tháo bỏ đi gần 20 triệu mét khối nước ngọt và làm giảm một phần lớn diện tích mặt nước. Việc làm này ảnh hưởng lớn đến môi trường, đồng thời dung tích làm chậm lũ cho khu vực hạ lưu cũng không còn. Trong khi đó, để hạ thấp mực nước, Nhà nước sẽ phải đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho UBND huyện Ba Vì nâng cấp trạm bơm tưới Trung Hà để thay thế nhiệm vụ tưới của hồ Suối Hai cũng như phải tốn hàng trăm tỷ đồng để đào tràn xả lũ, hạ thấp mực nước hồ. Cần phải nhắc thêm là hiện nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ người dân khu vực nông thôn Hà Nội nói chung, huyện Ba Vì nói riêng, được sử dụng nước sạch qua các trạm cấp nước đạt chuẩn, còn lại phải sử dụng nước giếng khoan. Chính vì những lý do này, PGS - TS Khổng Doãn Điền tha thiết kiến nghị cơ quan chức năng dừng lại dự án khi mà lợi ích của một doanh nghiệp không thể bù đắp những thiệt hại Nhà nước cũng như xã hội phải gánh chịu nếu như triển khai!
Nhân dân, nhất là nhiều người cao tuổi ở các xã Tản Lĩnh, Ba Trại, Cẩm Lĩnh, Thụy An sát hồ Suối Hai vẫn còn nguyên ký ức về những trận hễ hạn là mất mùa, hễ lũ là ngập úng khắp vùng. Ông Sơn (xã Thụy An), năm nay ngoài 70 tuổi, cho biết: Khi xây dựng xong hồ Suối Hai thì cảnh hạn hán, ngập úng không còn. Dân đỡ khổ hẳn.
Cần cẩn trọng
Ngay sau khi nhận được ý kiến của PGS - TS Khổng Doãn Điền, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu. Trong Công văn 343-CV/TU của Thành ủy Hà Nội gửi Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu: Thứ nhất, đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu ý kiến của PGS - TS Khổng Doãn Điền trên tinh thần phải xem xét thận trọng, việc hạ thấp mực nước hồ Suối Hai, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phòng lũ, tưới tiêu, môi trường khu vực... Thứ hai, trong quá trình xét duyệt chủ trương thực hiện dự án nêu trên, cần tổ chức thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học chuyên ngành về những vấn đề liên quan và phải quán triệt chủ trương chỉ đạo của thành phố về việc bảo vệ diện tích các hồ hiện có. Thứ ba, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy trước khi phê duyệt dự án này.
Theo Báo cáo số 87/BC-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 28-6-2012 gửi Bí thư Thành ủy, đến nay UBND thành phố chưa ban hành quyết định thay đổi nhiệm vụ hồ Suối Hai. Khẳng định đây là vấn đề hệ trọng, báo cáo nêu rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng hồ Suối Hai phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán khoa học, có sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học chuyên ngành và những vấn đề liên quan. UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, không vì mục đích du lịch mà làm thay đổi mực nước, hủy hoại môi trường sinh thái, gây nguy hiểm, lũ lụt cho vùng hạ du của hồ.
Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Sử dụng bền vững hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu" do Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng tổ chức ngày 22-6 vừa qua, có nhà khoa học đưa ra dẫn chứng trong vòng 50 năm qua có đến 80% diện tích mặt nước của Thủ đô đã "biến mất". Trong đề án cải tạo hồ Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã nhận định: Thủ đô Hà Nội là thành phố nhiều ao hồ nhất trong các thành phố trên cả nước, đây vừa là nét đẹp đặc trưng của vùng đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến, mang giá trị lịch sử - văn hóa, ngoài ra các ao, hồ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nước, chống úng ngập cho Thủ đô... Về việc nghiên cứu thay đổi nhiệm vụ hồ Suối Hai, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán khoa học, xem xét thận trọng, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phòng lũ, tưới tiêu, môi trường; quá trình tổ chức thực hiện phải lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, lập hồ sơ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan theo quy định.
Chuyện "sinh mệnh" hồ Suối Hai hiện nay vẫn phải chờ quyết định của các cơ quan chức năng. Và tất nhiên, quyết định đó phải đúng với tinh thần chỉ đạo của TP, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, của các nhà khoa học và đặc biệt phải tính đến lợi ích lâu dài của xã hội, vì lợi ích cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.