Báo Politico dẫn kết quả sơ bộ bầu cử Quốc hội Hà Lan cho biết, ông Geert Wilders, lãnh đạo đảng Vì tự do (PVV) theo chủ nghĩa cực đoan chống Hồi giáo và hoài nghi châu Âu, được dự đoán sẽ giành vị trí đứng đầu.
Đây là chiến thắng gây sốc không chỉ tại Hà Lan mà còn ở châu Âu.
Với 96,7% số phiếu được kiểm, đảng PVV giành được 37/150 ghế tại Quốc hội - nhiều hơn gấp đôi số lượng mà đảng này giành được trong cuộc bầu cử năm 2021.
Liên minh đảng Lao động - đảng Xanh của cựu Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về khí hậu Frans Timmermans nhiều khả năng đứng ở vị trí thứ hai, giành được 25 ghế, một bước nhảy vọt so với 17 ghế hiện tại.
Dilan Yeşilgöz, người kế nhiệm thủ tướng sắp mãn nhiệm Mark Rutte với tư cách là người đứng đầu đảng Nhân dân tự do và dân chủ (VVD) cầm quyền, đang hứng chịu tổn thất nặng nề khi chỉ giành 24 ghế, ít hơn 10 ghế so với nhiệm kỳ trước.
Nếu được xác nhận, chiến thắng của ông Geert Wilders sẽ đánh dấu một sự chuyển biến khó lường đối với nền kinh tế lớn thứ năm của EU. PVV đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Hà Lan trong EU. Tuy nhiên, do không đạt được đa số phiếu để tự đứng ra thành lập chính phủ độc lập, ông Geert Wilders cần vượt qua quá trình đàm phán với các đảng khác để thành lập liên minh cầm quyền.
Là nghị sĩ thâm niên nhất - 25 năm, song lập trường chống Hồi giáo và EU đã khiến đảng cánh hữu của ông chưa từng có mặt trong các chính phủ. Với chiến thắng này, chính trị gia 60 tuổi sẵn sàng “hạ tông” để có thể kêu gọi được liên minh mới.
Lãnh đạo khối cánh tả Đảng Xanh/Lao động, Frans Timmermans, dường như loại bỏ khả năng tham gia liên minh chính phủ.
Trong khi đó, Đảng Khế ước xã hội mới (NSC) do ông Pieter Omtzigt đại diện đã giành được 20 ghế. Chính trị gia này dường như đã giảm bớt lập trường của mình khi nói rằng ông "sẵn sàng", hợp tác để thành lập liên minh song cũng thừa nhận các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng.
Theo các nhà phân tích, nhập cư là chủ đề chính của chiến dịch tranh cử và lập trường cứng rắn của ông Geert Wilders, bao gồm đóng cửa biên giới và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, đã gây được thiện cảm với cử tri Hà Lan.
Ông Geert Wilders thường được so sánh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, một phần vì kiểu tóc, song phần lớn là vì những lời lẽ chỉ trích người nhập cư và người Hồi giáo. Chính trị gia này cho biết, PVV muốn nỗ lực ngăn chặn “cơn sóng thần tị nạn”, đưa thêm tiền vào ví của người dân và đảm bảo an ninh tốt hơn.
Về chính sách đối ngoại, thông điệp “Hà Lan là trên hết” không khác gì khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump.
Để thu hút nhiều hơn sự ủng hộ của cử tri, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông đã tìm cách giảm nhẹ thông điệp của mình khi hứa hẹn có thể "đóng băng" một số quan điểm cứng rắn về Hồi giáo. Ông nhấn mạnh sẽ trở thành thủ tướng của tất cả mọi người "bất kể tôn giáo, xuất thân, giới tính hay bất cứ điều gì", đồng thời cho rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ là ưu tiên lớn hơn trong các chính sách sắp tới nếu ông đắc cử.
Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa quên những mục tiêu mà ông đã đề ra trước đó, gồm: Chương trình đề xuất lệnh cấm các trường học Hồi giáo, kinh Koran và nhà thờ Hồi giáo. Sử dụng khăn trùm đầu sẽ bị cấm trong các tòa nhà chính phủ.
Lo ngại lớn nhất đó là một cuộc trưng cầu dân ý về việc Hà Lan rời khỏi EU (Nexit). Đây sẽ là “cơn địa chấn” thứ hai đối với EU sau khi Anh rời khỏi khối này (Brexit)
Với cuộc bỏ phiếu này, cử tri Hà Lan đã chọn ra được vị Thủ tướng mới đầu tiên sau hơn một thập kỷ và sau khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mark Rutte tuyên bố từ chức hồi tháng 7 vừa qua, chấm dứt nhiệm kỳ kéo dài 13 năm, do những bất đồng về vấn đề người di cư.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Mark Rutte tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi liên minh cầm quyền mới được thành lập, dự kiến trong nửa đầu năm 2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.