(HNM) - Đặt lịch hẹn gần một tháng, chúng tôi mới gặp được GS, TS - Bác sĩ Nguyễn Khánh Dư trong phòng khám nhỏ tại số 15 Lê Đại Hành (phường 4, quận 11, TP Hồ Chí Minh), bởi ông dày đặc lịch mổ, lịch giảng dạy cho các bệnh viện và Trường ĐH Y trên địa bàn thành phố, dù đã ở tuổi 83…
Đã 83 tuổi nhưng GS, TS - bác sĩ Nguyễn Khánh Dư vẫn khám chữa bệnh cho người dân. |
Sinh ra và lớn lên tại TP Hà Nội trong gia đình có truyền thống, ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và năm 1950 được kết nạp vào Đảng. Năm 1953, ông được cử sang Liên Xô (cũ) học tại Trường ĐH Y khoa Mátxcơva. Ra trường với tấm bằng đỏ xuất sắc, năm 1964 ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với đề tài "Điều trị phẫu thuật bệnh hẹp van động mạch chủ và các bệnh hẹp van tim khác". Sau giải phóng (1975), vợ chồng ông chọn TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Đến năm 1980, ông bảo vệ thành công luận văn "Tổ chức điều trị cấp cứu ngoại khoa từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương ở Việt Nam" và được nhận tấm bằng loại ưu: "Chuyên gia y học xã hội và y tế thế giới". Chưa dừng lại ở đó, năm 1981, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Điều trị vết thương và di chứng vết thương chiến tranh ở các mạch máu lớn". Sau khi về nước, ông giữ các chức vụ như: Phó Vụ trưởng Vụ Điều trị phòng bệnh (Bộ Y tế); Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; Chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực tim mạch Trường ĐH Y Dược thành phố…, và được phong hàm giáo sư năm 1991.
Ông bảo, tài sản quý nhất trong sự nghiệp của mình chính là kinh nghiệm tham gia nhiều ca mổ lớn, cứu sống hàng nghìn bệnh nhân, trong đó, có rất nhiều ca mổ cứu người trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Đó là năm 1962, trong thời gian làm nghiên cứu sinh để chuẩn bị bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Mátxcơva, ông đã gặp một ca bệnh hết sức phức tạp của một cán bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Người cán bộ này bị bệnh hẹp khít lỗ van hai lá tim, có loạn nhịp tim hoàn toàn (trung nhĩ), có huyết khối đặc bít kín tiểu nhĩ trái và một phần tâm nhĩ trái, tình trạng hết sức nguy kịch, nếu không mổ kịp thời có khả năng không qua khỏi, trong khi, kỹ thuật siêu âm tim khi ấy còn ở mức độ thấp và mổ tim hở mới đang ở thời kỳ khởi đầu. Lúc đó, ông và những người thầy bác sĩ Liên Xô cũ đã quyết định mổ cứu sống người cán bộ của Đảng.
Trong 13 năm (1960 đến 1973) công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, GS, TS - Bác sĩ Nguyễn Khánh Dư cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho việc sử dụng và hướng dẫn sử dụng chiếc máy ghi điện tim (điện tâm đồ). Tại đây ông cũng là người đầu tiên tiến hành thủ thuật thông tim để lấy mẫu máu từ các buồng tim ra đo nồng độ oxy và acid cacbonic, phát hiện dị tật bẩm sinh để xác định mổ hoặc không có chỉ định mổ, đào tạo được một đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi làm thông thạo thủ thuật này.
Gần nửa thế kỷ (1958 đến 2005) làm công tác lâm sàng ngoại khoa, công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, ông đã viết và công bố trên các tạp chí y học trong và ngoài nước trên 100 công trình khoa học. Cũng trong 26 năm làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (1975 đến 2001), ông cùng tập thể bệnh viện đã gặt hái được nhiều thành công trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bây giờ, 83 tuổi nhưng ông vẫn tiến hành những ca mổ lớn theo lời mời của nhiều bệnh viện trong thành phố, của bệnh nhân. "Không biết bao giờ tôi mới dừng lại, chỉ biết nếu còn sức thì vẫn tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến", GS, TS - Bác sĩ Nguyễn Khánh Dư chia sẻ khi tạm biệt chúng tôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.