(HNMO) - Đó là quan điểm được Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông đưa ra tại buổi họp báo định kỳ quý I-2018 của Bộ tổ chức chiều ngày 29-3 liên quan đến việc Grab thâu tóm Uber.
Trước những ý kiến lo ngại Grab sẽ độc quyền sau khi hoàn tất việc “thôn tính” Uber, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, quan điểm này đúng một phần vì giảm sự cạnh tranh khi chỉ còn một hãng. Tuy nhiên, chỉ trong một năm qua đã có thêm hàng chục đơn vị trong nước sử dụng phần mềm để kết nối kinh doanh vận tải. Như vậy, việc cạnh tranh của hai hãng không còn, nhưng cạnh tranh với đơn vị cung cấp công nghệ trong nước vẫn còn. Việc sáp nhập giữa 2 hãng này với nhau là hoạt động của doanh nghiệp và chiếu theo Luật Doanh nghiệp trong quy định của Việt Nam và thế giới thì đều có thể thực hiện.
Liên quan đến việc đông đảo lái xe “kêu cứu” vì Uber sau khi sáp nhập thì quyền lợi của tài xế khó bảo đảm, lãnh đạo Bộ GT-VT cho rằng, khi chủ xe thực hiện đầu tư xe để kinh doanh chưa xem xét chặt chẽ vấn đề pháp lý, hợp đồng dân sự để bảo đảm pháp lý nên không tránh khỏi rủi ro. Nhà nước không thể làm thay việc chủ xe có tiền để đầu tư xe chạy Grab hay Uber, mà quản lý việc chạy xe thế nào, quản lý chặt vấn đề thuế và giá. Tuy nhiên, Bộ GT-VT sẵn sàng tiếp xúc và giải đáp các thắc mắc của lái xe để tìm hướng giải quyết.
“Về mặt quản lý Nhà nước đối với Uber và Grab, hiện các bộ, ngành đều thực hiện đầy đủ các quy định liên quan, giải quyết cạnh tranh hay độc quyền được thực hiện theo Luật Cạnh tranh của Bộ Công Thương. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng Uber. Các bộ, ngành liên quan đến việc bảo vệ doanh nghiệp trong nước đã và đang hành động để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, đối tác Uber và Grab” - ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.