Kết thúc thí điểm, từ ngày 1-4-2020, Grab và các mô hình xe công nghệ sẽ được chính thức triển khai trên toàn quốc và được quản lý theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Sự phát triển của loại hình xe công nghệ này sẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội, tạo thêm nguồn thu nhập cho các đối tác tài xế và mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.
Đối tác tài xế phấn khởi và gia tăng thu nhập
Không còn là mô hình thí điểm, dịch vụ xe công nghệ chính thức được "cởi trói" mở rộng ra nhiều tỉnh, thành cùng các cơ chế quản lý cụ thể theo Nghị định 10 sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân tại các tỉnh, thành, gia tăng việc làm, có thêm lựa chọn, di chuyển an toàn, tiết kiệm, văn minh...
Gắn bó với loại hình xe công nghệ Grab từ những ngày đầu, tài xế Nguyễn Nông Phu (ngụ quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) vui vẻ cho biết: “Quy định mới không phải đeo mào mà dán tem lên kính xe là phù hợp với tâm tư của tài xế và người tiêu dùng. Ngoài ra, việc mở rộng địa bàn hoạt động sẽ giúp anh em tài xế có thể nhận thêm các cuốc đi tỉnh để tăng thu nhập, đồng thời hạn chế được chiều chạy rỗng bởi mở rộng địa bàn hoạt động, nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân tăng lên thì chắc chắn số lượng cuốc xe sẽ nhiều hơn”.
Cũng trong nhóm “tài xế đời đầu”, anh Huỳnh Xuân Bình (33 tuổi, ngụ thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khi Nghị định có hiệu lực thì hoạt động xe công nghệ được quy chuẩn hơn, chỉ cần thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng là hoạt động bình thường, vẫn kết nối với khách qua ứng dụng công nghệ. Việc mở rộng địa bàn hoạt động là rất phù hợp với thực tiễn bởi nếu mình chở khách từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu sẽ có nhiều khách đặt xe chiều về thay vì trước đây phải đi chiều xe rỗng. Ngoài ra, quy định dán tem lên kính xe cũng không ảnh hưởng đến khách hàng, thậm chí còn giúp họ dễ nhận biết xe công nghệ hơn”.
Người dùng tiếp tục được di chuyển an toàn, giá cả tiết kiệm
Sau hơn 4 năm thực hiện thí điểm triển khai kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử, loại hình đặt xe qua ứng dụng công nghệ đã phát huy tác dụng đáng kể, được người tiêu dùng đón nhận, lựa chọn sử dụng.
Chị Đặng Thu Trang ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Kể từ khi có xe công nghệ như Grab hoạt động đến nay, gần như tôi không di chuyển bằng taxi truyền thống nữa. Nhưng thi thoảng tôi muốn đặt Grab về Bắc Ninh, Hưng Yên… thì rất khó khăn do loại hình này chưa được hoạt động tại đây, lái xe chở tôi đi thì chiều về sẽ không có khách, phải chạy rỗng. Tới đây, họ được phép hoạt động trên cả nước thì người tiêu dùng sẽ tiện lợi hơn trong việc đặt xe di chuyển, lái xe cũng không còn phải lo cuốc về “chở gió””.
Chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) cũng khẳng định: “Từ ngày xe công nghệ xuất hiện tại Việt Nam, gia đình tôi không còn đi xe taxi truyền thống nữa. Đi xe công nghệ rẻ, và nó giống như một chiếc xe của gia đình mình, rất thuận tiện cho việc đi ngoại giao. Nhà nước quy định xe công nghệ không phải gắn hộp đèn như taxi truyền thống là hợp lý với xu hướng và nhu cầu của người dân. Nên quản lý xe công nghệ như các nước trên thế giới vừa bảo đảm được chất lượng vừa mang lại tiện ích cho cả tài xế và người dân”.
Cái mới ra đời là xu hướng tất yếu
Sự ra đời của dịch vụ xe công nghệ đã giúp cho những người tham gia giao thông có thêm sự lựa chọn và mang lại nhiều tiện ích cho người dân Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: “Tiện ích của xe công nghệ rất quan trọng bởi nó chạy được cả 2 chiều nên cước phí đi xe thấp, như vậy người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Việc xe công nghệ được mở rộng phạm vi hoạt động trước tiên các địa phương được hưởng lợi vì góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Không phải địa phương nào cũng phát triển được loại hình taxi, trong khi lượng xe và nguồn lao động nhàn rỗi thì địa phương nào cũng có, chỉ cần các hãng xe công nghệ kết nối phần mềm là đưa vào hoạt động được ngay”.
Nhìn nhận trên phương diện thực tế điều hành và quản lý, ông Phạm Đăng Vỹ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Thương mại và Dịch vụ Nguyên Vỹ cho rằng, việc “cởi trói” địa bàn hoạt động tại 5 tỉnh, thành sẽ giúp tài xế đi đâu cũng có khách để chạy, giúp giảm chiều rỗng, thời gian hiệu quả tăng lên, giảm chi phí rất nhiều, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng được hưởng lợi về cước phí, tránh được việc xe chạy xù, xe giả mạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.