Ông Phạm Minh Hạc, nguyên Phó ban Khoa giáo TƯ: Cần có những chỉ tiêu chiến lược về giáo dục - đào tạo Ý kiến một số đảng viên cho rằng: Văn kiện chưa có nhiều điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới của đất nước. Vượt qua thách thức, đưa đất nước tiến lên là yêu cầu số một, đảng viên mong muốn văn kiện ĐH lần này tiếp tục có được tinh thần đổi mới của Đại hội VI.
Ông Phạm Minh Hạc, nguyên Phó ban Khoa giáo TƯ: Cần có những chỉ tiêu chiến lược về giáo dục - đào tạo
Ý kiến một số đảng viên cho rằng: Văn kiện chưa có nhiều điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới của đất nước. Vượt qua thách thức, đưa đất nước tiến lên là yêu cầu số một, đảng viên mong muốn văn kiện ĐH lần này tiếp tục có được tinh thần đổi mới của Đại hội VI.
Tôi đã có dịp đi nhiều và thấy rõ trong công tác giáo dục - đào tạo, không ít địa phương còn rất khó khăn về cơ sở vật chất (có tỉnh chỉ có 50% phòng học), thiếu đội ngũ giáo viên. Vì vậy, trong phương hướng chung của sự nghiệp giáo dục - đào tạo 5-10 năm tới, theo tôi nên có một số chỉ tiêu chiến lược cụ thể như:
- Từng bước (1/4, 1/3, 1/2 rồi 100% trường, lớp) đủ trang thiết bị dạy học theo chuẩn vùng, khu vực, quốc gia.
- Đủ (về số lượng, cơ cấu ở tất cả các vùng, miền) thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, đạt chuẩn cả tay nghề và đạo đức nhà giáo.
- Đủ sách, tài liệu dạy và học theo chuẩn hiện đại (các môn tự nhiên như các nước tiên tiến). Nhà nước lo đủ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó khăn, con em các gia đình chính sách.
Tôi kiến nghị đưa vào Báo cáo chính trị vấn đề "Đúc kết, xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế." Tổng Bí thư đã nói "Định hướng giá trị cho thanh niên"; Chủ tịch nước đề cập tới "Thước đo giá trị cho cán bộ hành chính nước ta"; đặc biệt Chủ tịch Quốc hội đã thay mặt Bộ Chính trị giao cho ngành tuyên giáo "Hình thành hệ giá trị Việt Nam". Điều này rất cần thiết.
Th.s Lê Tứ Hải, NCS Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Giải quyết tình trạng dư thừa lao động nông thôn
Trong phần mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2011- 2015) có nêu chỉ tiêu: "Thực hiện chương trình đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu nông dân hằng năm"; "Tỷ trọng lao động nông - lâm - thủy sản năm 2015 chiếm 35-40% lao động xã hội". Theo chúng tôi, đây là chủ trương rất đúng đắn nhưng chưa đầy đủ và cần nhiều giải pháp tích cực mới có thể đạt được.
Trước hết, muốn tăng lao động theo chiều rộng của khu vực kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thì việc đào tạo nghề phải tính đến toàn bộ lao động nông thôn và vùng ven đô chứ không thể chỉ riêng nông dân. Mặt khác, cần phải tính đến việc đào tạo nghề thật sự hiệu quả để người sau học nghề có việc làm và sống được bằng công việc đó. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải tính đến các vấn đề xã hội khác để ngăn chặn tình trạng lao động đã học nghề ở nông thôn nhưng lại dịch chuyển ra thành thị kiếm việc làm khác. Điểm bất lợi của lao động nông nghiệp, nông thôn là trình độ học vấn và chuyên môn thấp; thể lực của lao động nông thôn yếu, khó khăn trong tiếp cận kiến thức sản xuất mới, tiếp cận nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp; kỹ năng lao động thấp và tác phong sản xuất tiểu nông khó đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp. Cách đây 5 năm (2006), lao động nông thôn nước ta có khoảng 34 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 80% số đó có việc làm. Hiện nay, theo kết quả tổng điều tra năm 2009, con số này đã tăng thêm hơn 2 triệu nữa; tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm đang diễn ra nghiêm trọng ở nông thôn trong cả nước. Theo dự báo của Liên hợp quốc và Tổng cục Thống kê (năm 2010), Việt Nam đang ở giai đoạn "Dân số vàng", dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục tăng (độ tuổi 30-39 tăng bình quân 2%/năm). Trong khi đó, khả năng tạo việc làm mới trong nông nghiệp đã gần đạt tới điểm bão hòa, còn kinh tế nông thôn phát triển chậm, chưa tạo được nhiều việc làm khả dĩ giải quyết được số lao động nông thôn dư thừa này.
Các giải pháp cơ bản để có thể giải quyết tình trạng này là: nâng cao trình độ của lao động một cách tích cực và chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ (CN&DV) đi đôi với nâng cao năng suất và hiệu quả lao động nông nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển CN&DV tạo nhu cầu lao động, thu hút lao động ra khỏi nông nghiệp. Nên xóa bỏ chính sách về hạn điền, phát triển mạnh kinh tế trang trại và kinh tế hộ. Tăng năng suất lao động trong nông nghiệp thông qua áp dụng tiến bộ KHCN. Đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn. Khuyến khích đưa doanh nghiệp về nông thôn. Phát triển làng nghề. Phát triển kinh tế trang trại. Tăng cường các biện pháp chuyển đổi nghề đi kèm với quá trình thu hồi, đền bù, giải tỏa nhà ở và đất canh tác để thực hiện xây dựng các khu kinh tế. Phát triển thị trường lao động ở nông thôn, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ giới thiệu việc làm, thúc đẩy xuất khẩu lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.