Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp thêm góc nhìn mới về một nhân vật lịch sử

Thu Hằng| 25/07/2021 05:13

(HNMCT) - Nhắc đến Nguyễn Thị Minh Khai, trước nay chúng ta vẫn hình dung đến một nhà cách mạng, nhưng ít ai biết bà đã đi vào văn học nghệ thuật như một biểu tượng cho khát vọng khẳng định vai trò của người phụ nữ trong bối cảnh lịch sử đầy biến động.

Một số tác phẩm văn học về liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai.

Tính đến nay, đã có một số tác phẩm thuộc các thể loại truyện ký, truyện lịch sử, truyện tranh về Nguyễn Thị Minh Khai: “Chị Minh Khai” của tác giả Nguyệt Tú; “Hai chị em liệt sĩ Minh Khai - Quang Thái” (Bích Thuận), “Chị Minh Khai”, “Khúc hát Vườn Trầu” (Lê Minh), “Chuyện chị Minh Khai” (Lê Vân kể; Mai Văn Nam, Phan Thông vẽ), “Chuyện kể Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai” (Lê Quốc Sử). Ngoài ra, Nguyễn Thị Minh Khai cũng là nhân vật của nhiều bài thơ và cả ca kịch - vở “Sáng mãi niềm tin”.

Hình ảnh người nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai trong các tác phẩm văn học nghệ thuật dù được bồi đắp ít nhiều để thêm sinh động và phù hợp với diễn ngôn của các câu chuyện kể, song về cơ bản vẫn trung thành với nguyên mẫu lịch sử. Điều đáng nói là con người bà, cuộc đời bà không chỉ được nhìn nhận từ phương diện lịch sử mà còn được khai thác từ khía cạnh tâm lý, xã hội. Vì thế, từ các tác phẩm này, người đọc có thêm một góc nhìn mới về Nguyễn Thị Minh Khai.

Truyện ký “Chị Minh Khai” (NXB Phụ nữ, 1976) của tác giả Nguyệt Tú được xem là tác phẩm văn học sớm nhất và cũng là cuốn sách trình bày đầy đủ nhất về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Thị Minh Khai, quá trình trưởng thành từ một cô gái thành Vinh đến một chiến sĩ kiên cường, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, cuối cùng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố văn hóa, lịch sử đã góp phần bồi đắp nên khát vọng dấn thân và bản lĩnh cách mạng của người nữ chiến sĩ. Tác phẩm sau đó được tái bản, bổ sung nhiều lần, có những giai đoạn được tái bản với tên gọi “Áo trắng trước pháp trường”. Cuốn sách từng được Nhà xuất bản Phụ nữ của Cộng hòa Dân chủ Đức dịch và ấn hành cùng nhiều hình ảnh minh họa kèm lời giới thiệu của Giáo sư - Tiến sĩ Sử học người Đức Wilfried Lulei.

Cũng lấy tên là “Chị Minh Khai”, song cuốn truyện lịch sử của tác giả Lê Minh (NXB Thanh niên, 1976) lại tập trung khai thác những câu chuyện về chị Minh Khai trong thời gian hoạt động trên cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trong gia đình, Nguyễn Thị Minh Khai gần gũi nhất với em gái Nguyễn Thị Quang Thái. Hai chị em cùng chung lý tưởng và cùng hy sinh cho cách mạng. Tình cảm chị em sâu nặng, tình đồng chí thiêng liêng được nhà văn Bích Thuận kể lại đầy cảm động qua cuốn truyện ký “Hai chị em liệt sĩ Minh Khai - Quang Thái” (NXB Thanh niên, 2007).

Bên cạnh em gái, cuộc đời cách mạng của Nguyễn Thị Minh Khai còn gắn bó sâu sắc với người bạn đời Lê Hồng Phong. Cuốn “Chuyện kể Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai" của Lê Quốc Sử (NXB Thanh niên, 2001) dành phần lớn nội dung về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lê Hồng Phong, nhưng hình ảnh Nguyễn Thị Minh Khai vẫn được thể hiện như một dấu ấn vô cùng đặc biệt ở 30 trang cuối của cuốn sách.

Nguyễn Thị Minh Khai cũng là một tấm gương sáng về tinh thần cầu thị, tự học, tự phấn đấu được nhiều em nhỏ yêu mến qua hai tác phẩm: Truyện tranh “Chuyện chị Minh Khai” được kể bởi Lê Vân cùng phần hình ảnh do Mai Văn Nam, Phan Thông vẽ (xuất bản năm 1979), và truyện thiếu nhi “Khúc hát Vườn Trầu” (NXB Kim Đồng, 1982) được nhà văn Lê Minh chấp bút từ chính truyện “Chị Minh Khai” ra đời trước đó.

Trong các sáng tác văn học này, hình tượng Nguyễn Thị Minh Khai được khai thác ở cả bề nổi lẫn chiều sâu. Bề nổi là tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt cùng những đóng góp xương máu của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ - là hình ảnh đồng chí Minh Khai kiên cường, kiên trung, bản lĩnh phi thường - những mặt mà sử sách, báo chí đều ghi chép lại. Ở chiều sâu là con người đời thường, con người nội tâm của Nguyễn Thị Minh Khai với đầy đủ các cung bậc cảm xúc trong tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, tình đồng chí đồng đội mà có lẽ chỉ có văn học mới có thể đồng cảm được. Những nỗi đau trong lòng người vợ, người mẹ ấy, hôm nay nhìn lại vẫn khiến chúng ta nhức nhối, bởi đó không chỉ là nỗi mất mát của con người trong chiến tranh, mà hơn thế, là sự hy sinh phi thường của một người phụ nữ. Vì lẽ đó, để hiểu đầy đủ về Nguyễn Thị Minh Khai, bên cạnh sử liệu, cũng không thể bỏ quên những tác phẩm văn học về người nữ anh hùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp thêm góc nhìn mới về một nhân vật lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.