Trong 6 tháng đầu năm 2023, việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội nghiêm túc triển khai thực hiện, gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao. Những kết quả này đã góp phần vào việc triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường:
Để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 687 hội nghị phản biện (cấp thành phố 32 hội nghị, cấp huyện 124 hội nghị, cấp xã 531 hội nghị) vào các dự thảo nghị quyết: Quy định về một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; quy định chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội; quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú ở Hà Nội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 955 hội nghị góp ý thu được 11.912 ý kiến đối với các nội dung như dự thảo các báo cáo, Luật Đất đai (sửa đổi), các văn bản quy phạm pháp luật.
Qua 47 hội nghị đã thu được 395 ý kiến phát biểu trực tiếp, 2.395 ý kiến đóng góp bằng văn bản, trong đó cấp huyện 13 hội nghị thu được 429 ý kiến trực tiếp, 987 ý kiến đóng góp bằng văn bản; cấp xã, thôn, tổ dân phố 895 hội nghị với 6.530 ý kiến trực tiếp và hơn 4.352 ý kiến bằng văn bản)… Qua đó đã góp phần triển khai có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh:
Tham gia giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc
Triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của thành phố, Thành đoàn Hà Nội đã tích cực triển khai các chương trình, hoạt động tình nguyện gắn với nhu cầu của đời sống xã hội; tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, vấn đề mới phát sinh, các hoạt động an sinh xã hội, tham gia phát triển cộng đồng như: Tổ chức các đội hình y, bác sĩ trẻ tình nguyện tư vấn sức khỏe, khám bệnh, tặng thuốc miễn phí, tổ chức các hoạt động tặng quà cho người nghèo và gia đình chính sách; hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hiến máu tình nguyện; các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội... Huy động nguồn lực và tổ chức thanh niên tình nguyện xây dựng nhà nhân ái, nhà vệ sinh thân thiện... Kết quả đã tổ chức 604 hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng với 18.542 đoàn viên, thanh niên tham gia, tổng trị giá hơn 2,6 tỷ đồng.
Cùng với các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động tình nguyện tại chỗ của tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục được Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo 107 cơ sở Đoàn trực thuộc triển khai hiệu quả. Cụ thể là: Tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt tại các địa điểm bán hoa Tết, chợ Tết, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, lễ hội; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia; thành lập và duy trì hoạt động của đội hình “Giao thông xanh” hỗ trợ lực lượng chức năng điều phối giao thông trong các ngày cao điểm...
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng:
Tập trung giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp công đoàn thành phố tổ chức cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã tham gia phản biện 28 văn bản dự thảo của các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, ban, ngành về tổ chức triển khai thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các ý kiến tham gia của các cấp công đoàn luôn bám sát thực tiễn và được các cấp, ngành chấp thuận bổ sung, sửa đổi trong các dự thảo.
Các cấp công đoàn cũng đã tập trung giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các chế độ chính sách đối với công nhân, viên chức, lao động; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó góp phần thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.