Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần hình thành và phát triển nhân cách

Quỳnh Dương| 12/09/2021 05:20

(HNMCT) - Văn học có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người. Thông qua các tác phẩm văn học được chọn lọc phù hợp với từng lứa tuổi, học sinh gắn bó với những nhân vật và nội dung trong câu chuyện, tiếp thu nét đẹp, mở rộng tri thức. Chính vì vậy, đa số các quốc gia trên thế giới đều coi văn học là bộ môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.

Cảm nhận cuộc sống, thu thập kiến thức qua văn học chính là con đường tích cực và nhẹ nhàng nhất để giáo dục trẻ em có sự phát triển toàn diện về nhân cách.

Tại Anh, từ lâu, văn học đã được đánh giá là không thế thiếu trong trường học. Đây là một trong những bộ môn chính mà học sinh buộc phải học từ khi bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường cho tới khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các nhà giáo dục cho rằng, ở cấp tiểu học, văn học giúp trẻ em hình thành và phát triển một loạt kỹ năng ngôn ngữ, từ phát triển từ, cú pháp câu tới khả năng diễn đạt.

Giáo sư Amos Paran thuộc Viện Giáo dục - Đại học London (Anh) cho biết, ở lứa tuổi ý thức đang hình thành, tư duy còn chập chững, sự cảm nhận và thích ứng với thế giới bên ngoài chủ yếu thể hiện bằng cảm xúc, tưởng tượng. Thông qua văn học, trẻ em sẽ khám phá ra nét đẹp của thiên nhiên và con người. Cảm nhận cuộc sống, thu thập kiến thức qua văn học chính là con đường tích cực và nhẹ nhàng nhất để giáo dục trẻ em có sự phát triển toàn diện về nhân cách. Nó cũng cho phép phát triển khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng vì các em sẽ phải hình dung các nhân vật và bối cảnh câu chuyện, thậm chí phán đoán những tình huống sẽ xảy ra tiếp theo. Hơn nữa, đọc sách văn học có thể là một cách giải trí, thư giãn và là một chủ đề để trò chuyện. Cha mẹ đọc sách cùng con thường xuyên có thể phát triển một mối quan hệ bền chặt.

Ở lứa tuổi trung học phổ thông, mục tiêu giáo dục trong bộ môn văn học Anh hướng học sinh tới việc nghiên cứu phát triển một lập luận và tìm bằng chứng để chứng minh, thông qua đó làm giàu vốn từ, củng cố ngữ pháp cùng khả năng diễn đạt. Viết luận thường xuyên giúp rèn luyện kỹ năng giao tiếp nói chung và các em có thể cảm thấy thoải mái hơn khi giơ tay phát biểu, đóng góp vào các cuộc thảo luận. Ngoài ra, văn học giúp các em phát triển khả năng suy nghĩ phê bình về các chủ đề khác nhau, đưa ra luận điểm riêng. Thông qua các câu chuyện, các em sẽ tìm hiểu sâu hơn về các sự kiện lịch sử, thẩm thấu thêm kiến thức về các nền văn hóa trên thế giới. Văn học giúp học sinh hiểu được những trải nghiệm khác nhau từ nhiều góc nhìn khác nhau, giúp các em trở nên cởi mở và dễ đồng cảm hơn. Nói một cách khác, nó mở rộng tầm nhìn và giúp học sinh hiểu thế giới xung quanh ở một mức độ sâu sắc hơn.

Để phát huy hiệu quả của bộ môn văn học trong nhà trường, ngoài chương trình giảng dạy, người giáo viên giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Tiến sĩ Rebecca Foster của Đại học Stirling ở Scotland, nhiệm vụ của người giáo viên không chỉ là đơn thuần giảng dạy nội dung trong sách giáo khoa. Họ phải làm thế nào để có thể truyền cho học sinh tình yêu và niềm đam mê đối với văn học. Trên mạng internet, có không ít diễn đàn được thành lập dành cho giáo viên giảng dạy môn văn. Họ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để đưa ra phương pháp dạy học hay cũng như cách thức mở rộng chủ đề cho mỗi bài giảng.

“Là giáo viên, chúng ta phải bổ sung vốn hiểu biết cho học sinh để giúp các em mở rộng tầm nhìn chứ không chỉ đóng khung trong một bài học. Văn học mở ra thế giới mới mà học sinh có thể không tự khám phá ra được. Chính vì thế, khi giảng dạy một tác phẩm văn học, tôi thường giới thiệu với các em những cuốn sách thú vị liên quan để đọc thêm và phát hiện ra nhiều phong cách khác nhau, cách giải quyết vấn đề khác nhau cũng như sự đa dạng ngôn ngữ của các tác giả. Không dừng lại ở đó, các giáo viên hoàn toàn có thể mở rộng sang những lĩnh vực xã hội khác. Để làm được điều này, người giáo viên phải có đủ chiều sâu kiến thức trong nhiều lĩnh vực”, Tiến sĩ Rebecca Foster chia sẻ.

Rất nhiều giáo viên đồng tình với ý kiến phải nghiêm túc dành thời gian cho việc soạn giáo án, lập kế hoạch giảng dạy riêng phù hợp cho từng lớp học và đối tượng học sinh. Trong tiết học, các thầy cô giáo nên khuyến khích học sinh tương tác nhiều nhất có thể. Thông qua đó, giáo viên có thể nắm được mức độ hiểu biết, cảm thụ của học sinh đối với mỗi tác phẩm văn học. Tiến sĩ Rebecca Foster cho rằng, giáo viên nên là người kể chuyện hấp dẫn nhất trong lớp học của mình. Giọng đọc hay, lối dẫn chuyện cuốn hút sẽ là cách dẫn dắt học sinh hứng thú đi theo bạn từ đầu đến cuối buổi học mà không cảm thấy nhàm chán.

Nhìn chung, văn học có khả năng tác động sâu sắc vào tâm hồn, tư tưởng và nhận thức của con người. Thông qua việc giảng dạy tác phẩm, người giáo viên có thể khơi dậy ở học sinh tình yêu đối với cái đẹp, lòng nhân ái, khát khao lý tưởng cũng như hiểu biết về mọi mặt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần hình thành và phát triển nhân cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.