Kinh tế

Góp phần đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng

Lam Giang 27/08/2023 - 06:36

Để đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giữ vai trò kết nối quan trọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, các cơ quan thương vụ cần tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tạo cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp trong nước với các thị trường thế giới, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

hoi-nhap.jpg
Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ thực phẩm quốc tế Hồng Kông (Trung Quốc) từ ngày 17 đến 21-8-2023. Ảnh: Nguyễn Hương

Cầu nối với thị trường thế giới

Trong giai đoạn xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chậm lại, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”. Tại hội nghị này, Thương vụ Việt Nam ở Bắc Kinh thông báo về chính sách nhập khẩu mới và xu hướng thị trường Trung Quốc... Đây là những thông tin bổ ích đối với hơn 400 đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên cả nước.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, từ hoạt động này, doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về thị trường lớn này và có sự linh hoạt trong định hướng kinh doanh...

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn”.

Bám sát đường lối đó, ngành Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng yếu, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, hệ thống 61 cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài như những sứ giả kinh tế, tạo cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp trong nước với các thị trường thế giới.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đánh giá, hệ thống thương vụ tại nước ngoài đã thực hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.

Các thương vụ đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin thị trường, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các thương vụ còn tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài…

Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, Việt Nam hiện có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác. Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương và thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đóng góp vào thành tựu chung đó có dấu ấn của hệ thống thương vụ Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Hoàng Thúy khẳng định, với phương châm “lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ”, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ là "cánh tay nối dài" đưa hàng Việt ra thế giới và là "đội phản ứng nhanh" hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Còn Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng thông tin, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan của Mỹ; theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời cập nhật thông tin, báo cáo những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành về phòng vệ thương mại.

"Các cơ quan thương vụ phải nắm bắt sâu sát diễn biến chính sách của nước sở tại và khu vực, đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, duy trì, mở rộng thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm phát triển thị trường mới, tiềm năng. Phổ biến các quy cách, tiêu chuẩn hàng hóa, tập quán tiêu dùng, tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư…", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.