Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, huyện Đan Phượng không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các bếp ăn trường học và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc.
Qua đó, huyện kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình chế biến, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Phan Anh cho biết, nhà trường có 410 cháu, 17 nhóm lớp (trong đó có 12 nhóm lớp mẫu giáo và 5 nhóm nhà trẻ). Mỗi ngày bếp ăn nhà trường phục vụ khoảng 380-390 suất ăn cho trẻ. Nhà trường tổ chức các cuộc họp đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm bảo đảm hồ sơ pháp lý cũng như chất lượng thực phẩm; rà soát trang thiết bị và nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng thực đơn bảo đảm về lượng cũng như chất dinh dưỡng cho trẻ.
Đặc biệt, năm học vừa qua, nhà trường đã đầu tư hai hệ thống lọc nước RO tổng trị giá 500 triệu đồng, bảo đảm nguồn nước sạch chế biến thức ăn cũng như nguồn nước cho trẻ uống hằng ngày. Do đó, trong những năm học vừa qua, Trường Mầm non thị trấn Phùng không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường.
Còn Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thanh Hải thông tin, toàn huyện có 55 trường học công lập, trong đó, mầm non 19 trường, tiểu học 20 trường, trung học cơ sở 16 trường. Hệ thống bếp ăn tập thể của các trường công lập có tổ chức ăn bán trú đều được bố trí trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng cung cấp suất ăn cho gần 35.000 học sinh; 100% cơ sở giáo dục đều ký cam kết, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm...
Bảo đảm an toàn thực phẩm được ngành Giáo dục huyện xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng vì liên quan đến sức khỏe của học sinh. Do đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường triển khai nghiêm túc công tác này, tập trung lựa chọn thực phẩm bảo đảm an toàn, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đều phối hợp với các sở, ngành tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên y tế, nhân viên nuôi dưỡng... Do đó, nhiều năm nay, trên địa bàn huyện chưa có trường hợp nào ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm ở bếp ăn trường học, Phòng Y tế phối hợp với các đơn vị, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm được đề cao.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho các trường học trên địa bàn trong thời gian tới, UBND huyện Đan Phượng đã yêu cầu các phòng, ban, ngành huyện, các xã, thị trấn, trường học đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định; xử lý nghiêm và công khai tên cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.