(HNM) - Ngày 30-9, lũ thượng nguồn tiếp tục cuồn cuộn đổ về hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp gây ngập lụt cục bộ nhiều đoạn đường giao thông nông thôn, bờ bao, vườn cây ăn trái, ao hầm nuôi thủy sản và nhà dân. Dốc toàn lực cứu lúa là nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này của chính quyền và nhân dân vùng ngập lũ.
Sáng sớm 30-9, người dân TP Long Xuyên (An Giang) không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến nhiều tuyến đường trong TP bị ngập sâu tới nửa mét nước. Trên chuyến phà nối từ TP Long Xuyên sang huyện Chợ Mới (An Giang), đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán chuyện lũ với ánh mắt đầy lo lắng.
Ở vùng đầu nguồn của tỉnh An Giang và trung tâm Tứ giác Long Xuyên, nước lên rất nhanh do ảnh hưởng của triều cường kết hợp mưa bão và lũ thượng nguồn tràn về ồ ạt. Nằm kẹt giữa Tân Châu và Châu Đốc, huyện An Phú là một trong những "điểm ngập sâu" của tỉnh An Giang hiện nay. Toàn huyện có gần 700 căn nhà bị ngập phải kê kích, hơn 600 nhà xiêu vẹo cần gia cố và khoảng 1.500 hộ dân cần hỗ trợ lương thực. Nước lũ gây ngập đường đến 21 điểm trường, 8 điểm giữ trẻ trên địa bàn. Ngoài cấp phát áo phao, huyện đã tổ chức đưa đón gần 1.400 học sinh, bảo đảm việc học không bị gián đoạn.
|
CA huyện Tam Nông gia cố đê tại kênh Tổng Đài (TT Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp). |
Công tác gia cố đê bao bảo vệ các vùng trồng lúa thu - đông vẫn đang tiếp tục tại Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Tân Châu, Châu Đốc… Tại "điểm nóng" kênh Mương Đình (xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành), Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hanh Nguyễn Ly Khoăn cho biết: "Toàn xã có 2.250ha lúa vụ 3, do vỡ đê bao nên 320ha đã bị xóa sổ. Tuyến đê bao của xã dài 43km, trong đó 20km đắp theo cao trình lũ năm 2000 hiện đang bị đe dọa. Được sự hỗ trợ của hơn 200 chiến sĩ Sư đoàn 330 (Quân khu 9), nhiều ngày qua nhân dân trong xã đã góp hàng nghìn bao tải đất, cây cừ tràm để gia cố đê bao. So với ngày hôm trước, mực nước ở kênh Mương Đình ngày 30-9 đã tăng lên 4cm. Nếu tình hình không có gì đột biến thì Vĩnh Hanh sẽ giữ an toàn cho 1.930ha lúa đến ngày thu hoạch".
10 giờ ngày 30-9, phóng viên Hànộimới có mặt tại tuyến đê kênh Tổng Đài - điểm xung yếu nhất của thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) có chiều dài 2,2km, chứng kiến không khí khẩn trương chống lũ của chính quyền và người dân địa phương, khi mực nước chỉ còn cách mặt đê vài chục centimét. Giữa mênh mang sóng nước, khoảng 400 người gồm công an, dân quân, sinh viên ĐH Đồng Tháp và nhân dân địa phương đang ngâm mình trong nước lũ để gia cố đê, bảo vệ 240ha lúa vụ 3 đang thời kỳ đẻ nhánh, trổ đòng.
Túc trực trên tuyến đê này từ ngày 17-9 đến nay, anh Nam - cán bộ HTX Quyết Thắng, thị trấn Tràm Chim, nói: "Từ một tuần nay hầu hết cán bộ chủ chốt của huyện được phân công xuống bám địa bàn, hỗ trợ nhân dân chống lũ. Lực lượng xung kích trực đê luôn có mặt 24/24h để khắc phục sự cố. Chúng tôi đã dùng bao đất đắp chân đê, riêng đoạn đê xung yếu ở giữa tuyến, đã đóng gần 1.000 cây tràm xuống mặt trong chân đê. Tuy nhiên trên đoạn đê dài 2,2km chỉ có 2 phương tiện hoạt động nên không kịp gia cố. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo điều thêm 1 chiếc xáng vào khu vực này để tăng cường hộ đê".
Ở một điểm xung yếu khác của huyện Tam Nông là kênh Lâm Vồ. Tuyến đê dài 15km, bảo vệ 1.200ha lúa có không ít điểm nước mấp mé bờ. Chính quyền địa phương đã huy động 4 máy xúc, ủi cùng hàng nghìn nhân công giữ đê để bảo vệ đồng lúa đang trổ bông. Với sức người, sức của bỏ ra trong nhiều ngày, tuyến đê dọc kênh Lâm Vồ vẫn vững vàng ở mức nước lũ lớn hơn trận lũ lịch sử năm 2000. Anh Nguyễn Văn Khoan (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) vừa luôn tay chuyển cọc cừ tràm xuống xuồng để chuyển đến điểm gia cố đê, vừa cho biết: "Gia đình tôi đã hiến 50 cây cừ tràm để chống lũ. Có sự giúp sức của bộ đội nên chúng tôi cũng cố gắng cứu đê".
Có mặt tại hiện trường để kiểm tra công tác hộ đê đã chống lũ tại huyện Tam Nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết: "Vài ngày trở lại đây, mức nước tại nội đồng tăng trung bình 4cm/ngày. Toàn tỉnh có 24.000ha lúa vụ thu đông, trong đó 7.000ha bị lũ uy hiếp. Ngoài việc ứng phó với lũ theo phương châm "4 tại chỗ", tỉnh đã huy động hơn 3.000 cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, sinh viên bổ sung cho các địa bàn xung yếu. Do các địa phương nhiều năm qua đã xây dựng các tuyến dân cư vượt lũ nên đến nay hầu hết nhân dân đều an toàn và chỉ có khoảng gần 400 hộ ở TX Hồng Ngự, Châu Thành cần di dời đến các điểm tập trung".
Không riêng gì tại Tam Nông, việc giữ đê bao bảo vệ lúa tại TX Hồng Ngự và các huyện Tân Hồng, Thanh Bình (Đồng Tháp) cũng như các địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang… đang hết sức khẩn trương. Dự báo nước lũ sẽ tiếp tục lên cao và sẽ đạt đỉnh trong một vài ngày tới, hàng nghìn hécta lúa còn tiếp tục bị đe dọa.
- Tính đến ngày 30-9, lũ lớn tại đồng bằng sông Cửu Long đã cướp đi sinh mạng của 8 người. Trong đó, tỉnh An Giang có 4 người, Long An 2 người, Đồng Tháp và Cần Thơ mỗi tỉnh có 1 người chết. Tỉnh Đồng Tháp có 660ha lúa bị mất trắng do lũ; 169,5ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hơn 370km bị sạt lở; 1.628 căn nhà bị ngập nước… Tỉnh An Giang có 12.907m2 bị sạt lở, 24,77km tỉnh lộ và 3.471 căn nhà bị ngập, 150ha lúa vụ 3 bị ngập và mất trắng 3.392ha. Ước tính kinh phí thực hiện gia cố đê trên toàn tỉnh đến nay khoảng 46 tỷ đồng. |