(HNMCT) - Trong lịch sử tồn tại và phát triển của các dòng gốm cổ truyền ở Việt Nam, hiếm dòng gốm nào có số phận thăng trầm như Chu Đậu. Tồn tại và phát triển rực rỡ gần 5 thế kỷ (XII - XVII), đến cuối thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu bỗng biến mất hoàn toàn. Phải đến những năm 80 của thế kỷ trước, dòng gốm này mới được khôi phục và trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của gốm Việt, có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Sự phục hồi của nghề gốm cổ còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cho làng nghề Chu Đậu ngày nay.
Một dòng gốm đặc biệt
Làng Chu Đậu thuộc xã Thái Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Cách đây hơn 30 năm, nhắc đến ngôi làng này, người ta chỉ biết đến nghề làm chiếu cói nổi tiếng, còn nghề gốm hoàn toàn xa lạ trong tâm thức của người dân.
Như một cơ duyên, năm 1980, một cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trông thấy một chiếc bình gốm có hoa văn đặc biệt được trưng bày trong Viện Bảo tàng Takapisaray (thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), từ đó lai lịch của dòng gốm cổ Chu Đậu mới dần được phát lộ.
Từ dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút” (nghĩa là: “Năm Thái Hòa thứ tám (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”) trên chiếc bình gốm, các nhà khoa học đã bắt tay vào điền dã, sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ.
Năm 1986, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ Chu Đậu và tìm thấy nhiều di vật cho thấy nơi đây từng là một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp của Việt Nam. Không những thế, từ kết quả khai quật các con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và vùng biển Pandanan (Philippines) năm 1993 và 1997, các nhà khoa học đã phát hiện 340 nghìn hiện vật gốm Chu Đậu, trong đó có 240 nghìn hiện vật còn nguyên vẹn, minh chứng cho việc gốm Chu Đậu từng là mặt hàng được xuất khẩu rộng rãi từ nhiều thế kỷ trước.
Đặc điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là men trắng trong với hoa văn màu xanh (men trắng chàm) và men trắng trong với hoa văn ba màu vàng, đỏ nâu, xanh lục (men tam thái) cùng kiểu dáng, họa tiết hoa văn tinh xảo, thể hiện bản sắc văn hóa thuần Việt. Những phương pháp và kỹ thuật chế tác của người Chu Đậu xưa đã đạt tới trình độ cao.
Theo những người thợ Chu Đậu, bí quyết để có những sản phẩm tinh xảo của người xưa là kỹ thuật vẽ dưới men, sau đó đem nung trong lò và phủ men tam thái lên trên, rồi lại nung nhẹ để giữ màu. Bởi thế, trải qua bao thế kỷ, dù bị chôn dưới đất hay nằm dưới đáy biển vài trăm năm, sản phẩm gốm Chu Đậu vẫn giữ nguyên được kiểu dáng, màu sắc.
Gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ suốt từ thế kỷ XII - XVII và bị thất truyền do nhiều nguyên nhân. Theo nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, đây là giai đoạn nổ ra cuộc chiến tranh Lê - Mạc, các lò gốm ở Nam Sách bị phá hủy.
Cùng với đó là sự mở cửa trở lại quan hệ giao thương giữa nhà Minh ở Trung Quốc với nước ngoài đã khiến gốm Chu Đậu không còn chỗ đứng và hoàn toàn biến mất.
Phục hưng dòng gốm cổ
Sau gần bốn thế kỷ bị thất truyền, ngày nay, gốm Chu Đậu đã hoàn toàn hồi sinh nhờ sự đóng góp không nhỏ của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG).
Ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu cho biết, với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu, năm 2001, công ty đã mời các nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai), Hải Dương... nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Đậu rồi truyền dạy cho công nhân là người địa phương. Hầu hết lớp thợ trẻ năm xưa nay đã trở thành những công nhân lành nghề, không ít người được vinh danh là nghệ nhân.
Sau gần 20 năm nỗ lực, công ty đã phục dựng được hàng trăm mẫu gốm cổ, đồng thời nghiên cứu và đưa vào sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới như vẽ vàng kim cao cấp, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, làng nghề Chu Đậu thu hút trên 500 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân đạt khoảng 7,6 triệu đồng/ người/ tháng; doanh số ước đạt 400 tỷ đồng/ năm.
Nhiều năm qua, làng gốm Chu Đậu đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Hải Dương. Nhiều tuyến, điểm xung quanh làng gốm cổ như: Đền thờ Đặng Huyền Thông - ông tổ nghề gốm Chu Đậu, các lò gốm cổ, Bảo tàng gốm thôn Chu Đậu... được kết nối, tạo thành tour hấp dẫn.
Đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng xây dựng chương trình Du lịch làng gốm cổ Chu Đậu gồm nhiều hoạt động như: Trưng bày bộ sưu tập gốm cổ và gốm đương đại, thăm Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, tham quan quy trình sản xuất, chế tạo các sản phẩm gốm; thăm làng gốm cổ Chu Đậu cùng các di chỉ khảo cổ học...
Trong những ngày cuối cùng của năm 2019, làng gốm Chu Đậu được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là “Điểm du lịch làng nghề”. Đánh giá cao những đóng góp của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu trong sự hình thành và phát triển của làng gốm Chu Đậu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết: “Làng nghề gốm Chu Đậu đã trở thành điểm đến du lịch mua sắm và trải nghiệm hết sức độc đáo, mỗi năm thu hút trên một vạn lượt du khách. Sản phẩm gốm Chu Đậu đã khẳng định thương hiệu và được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái, để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến này, huyện Nam Sách cần chú trọng việc giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, phát triển tài nguyên du lịch; tạo điều kiện cho du khách tham quan, học tập, nghiên cứu; khuyến khích người dân địa phương tham gia phát triển du lịch cộng đồng; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch gắn với các điểm đến ở trong và ngoài tỉnh...
Sau không ít thăng trầm, gốm Chu Đậu hiện là dòng gốm duy nhất ở Việt Nam được trưng bày ở 46 bảo tàng của 32 quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy những giá trị quý báu của gốm Chu Đậu.
Sự phục hồi, phát triển của nghề gốm cổ kết hợp với phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu và tỉnh Hải Dương, góp phần cho sự phát triển của ngành Du lịch và là sự khẳng định uy tín, quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.