Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gọi tên mưa Huế

Trần Thanh| 02/04/2012 06:32

(HNM) - Qua nhiều lần đến Huế, cũng đã đi, ngắm, nghe và cảm nhận những trầm mặc, ưu tư, cổ kính, u buồn và mưa… mà người ta thường nói về Huế, nhưng ấn tượng mạnh trong tôi vẫn là mưa. Lạ. Mưa mù mịt là thế mà ra đường vẫn thấy người Huế bình thản, trật tự chứ không quáng quàng, rối tung rối mù như giao thông Hà Nội gặp mưa...


Những con phố dài sụt sùi bong bóng, sáng ra, chiều đến, đố chạy chỗ nào mà trốn được mưa, thế mà vẫn thấy khách du lịch tay trong tay nhẩn nha ngắm phố. Nhà thấp trong các khu phố cổ, yên bình thì không có gì là lạ. Nhưng ngay cả những con đường trung tâm Huế, cũng nhà cao tầng, cũng đèn hoa nhấp nháy, đông người đấy nhưng không quá ồn ào. Tất cả như vừa đủ để khách nơi xa đến có thể cảm rõ về một cuộc sống êm đềm, kín đáo, không xô bồ, bon chen của người chân đất cố đô.

Một góc lăng Vua Tự Đức trong mưa. Ảnh: Bảo Dan


Mưa vẫn mịt mờ. Mưa khiến khách lạ đến Huế thấy rưng rưng là thế mà lại thu hút các phó nháy. Họ chụp như thể bắt được hạt mưa. Tôi đã đọc đâu đó chuyện kể nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói rằng, phải ngắm Huế trong mưa mịt mùng, mờ ảo mới thấy tận cùng nội tâm của người dân Huế. Và hình như mưa đã làm nên nhịp sống kiểu "cái gì phải đến sẽ đến", cứ ung dung tự tại giữa bão gió thị trường ào ào tràn qua vậy. Chả thế mà suốt nhiều năm qua, du lịch Huế vẫn chỉ miệt mài với những lăng tẩm, đền, đài. Chỉ đến khi những người làm du lịch cùng ngồi chung lại với nhau rồi chỉ ra một con số "hơi buồn" rằng: khách ngoại quốc đến Việt Nam nhiều nghìn người mà chỉ chiếm hơn 10% đến Huế...

Ai cũng rõ mưa đã trở thành một thuộc tính cố hữu của Huế, ít nhiều cũng sẽ gây trở ngại cho ai muốn đến thăm vùng đất này. Nhưng, trước khi đến, biết đến mưa theo cách của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng: "Mưa Huế là một cách chơi đàn của trời (thiên vũ cầm), phép cộng của những va đập tinh tế và vô thường. Có lúc lặng lẽ như tiếng nói thầm trên mái lá, có lúc xa xôi như một câu chuyện xưa, hay có lúc cười nắc nẻ. Mưa Huế bí ẩn như một con người" thì tôi lại thấy gợi, muốn háo hức khám phá. Khi tới Huế rồi, được nghe một người lao động gốc ở đây - ông Nguyễn Hữu Sự, 65 tuổi (chuyên đón khách du lịch cổng khách sạn Hương Giang) than vãn mà thấy xót xa: "Tôi đạp xích lô cả tuần nay chỉ được hơn trăm ngàn. Trời mưa ít người muốn du lịch xích lô lắm, người ta chọn taxi cho tiện. Chỉ có khách tây thích đi xích lô thôi. Dạo ni mưa có đỡ hơn, nhưng cũng kéo dài cả tháng. Nhưng đó là chuyện của ông trời, than vãn cũng rứa thôi, mình vẫn phải ra đường, không thì lấy gì nuôi vợ, con đây…".

Đem cả những điều đọc và nghe được ấy thắc mắc với các công ty lữ hành Huế. Thật mừng, họ đều khẳng định rằng: Dù chưa có hẳn "chiến lược" phát triển, nhưng mấy năm nay, mưa đã thành "đặc sản" của du lịch Huế. Bây giờ, cứ thử giả định một tình huống xấu thế này: Huế không còn mùa mưa thì Huế sẽ ra sao? Vì mưa Huế từ lâu đã "đóng đinh" trong di sản thơ, ca, nhạc, họa, góp phần làm nên diện mạo, bản sắc văn hóa của đất Cố đô rồi. Ông Hồ Tấn Phan, nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, người xưa đã có nhiều cách để thích nghi, như xây dựng hệ thống hành lang, cầu có mái che trong kiến trúc cung đình của Huế đã phát huy tối đa tác dụng ứng phó với thời tiết mưa dầm dề. Hay với ẩm thực Huế, khi nhìn vào số lượng đồ sộ của những ấm, chén, khay trà, dụng cụ hỏa thực... càng thấy rõ một phong cách riêng phù hợp với điều kiện mưa gió triền miên của vùng đất này. Đó chính là sự thích ứng của người Huế. Vậy thì, thay vì trách cứ trời mưa, người ta tìm cách biến mưa thành lợi thế rất riêng  của du lịch đất Huế.

Còn nhớ cách đây hơn nửa năm tại hội thảo: "Xây dựng thương hiệu du lịch Huế" có tới hơn 2/3 tham luận và thời lượng các đại biểu dành để bàn đến mưa Huế. Cuối cùng, sau bao trăn trở, việc "biến" mưa Huế thành sản phẩm thích hợp, triển khai trong Năm Du lịch quốc gia 2012 - Huế, đã được BTC mạnh dạn đưa vào kế hoạch. Như vậy, ngoài những lễ hội độc đáo: Đêm Hoàng Cung, lễ Tế Giao, lễ hội áo dài, lễ hội trống và nhạc cụ gõ "Âm vang hào khí Việt", lễ hội đường phố… diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế 2012 từ ngày 7-4 đến 15-4, thì độ tháng 10 năm nay sản phẩm du lịch mưa sẽ được các hãng lữ hành đưa vào khai thác "chính quy", như một điểm nhấn thú vị mang hương sắc đặc trưng của Huế.

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế chia sẻ góc nhìn về mưa Huế bằng ấn tượng của riêng mình: "Trong trận lụt lớn năm 2007, tôi đi kiểm tra ở khách sạn Century Riverside - Huế, thấy du khách vẫn vô tư bơi trong hồ và ngồi trên bờ ngắm sông trong mưa. Họ nói với tôi rằng được ngắm mưa như thế cũng thú vị lắm. Nhiệt độ 14-15°C của Huế đối với khách Châu Âu, Châu Mỹ là ấm áp và nhiều du khách bày tỏ thích thú cái màn mưa rất Huế này. Điều đó cho thấy nếu người làm du lịch Huế biết cách khai thác thì mưa sẽ là một sản phẩm thú vị".

Còn dưới góc nhìn của TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững thì có thể khai thác hệ thống chùa và nhà vườn ở Huế trở thành các không gian lý tưởng cho du khách có nhu cầu tĩnh dưỡng trong những ngày mưa. Cùng với đó là tổ chức hệ thống nhà hàng phục vụ các món ăn phù hợp với ngày mưa. Vì mưa sẽ níu chân du khách thêm thời gian để cảm nhận sự tinh tế trong các món ẩm thực cầu kỳ của Huế. Với lợi thế hiện có, việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch trong mưa với nhiều hoạt động bổ trợ như các dịch vụ vui chơi giải trí, thưởng thức nghệ thuật của Huế bao gồm xem nhạc nước, múa rối nước, nghe thơ, vẽ tranh, chụp ảnh trong mưa…là không khó. Nhưng, "nắng mưa là chuyện của trời" nên cái khó nhất vẫn là thời tiết, không thể chủ quan khi mọi sự đã chuẩn bị nhưng trời lại không mưa.
Bây giờ, Huế không chỉ có lăng tẩm, đã đến lúc người làm du lịch Huế không nên dựa quá nhiều vào di tích mà phải phát triển thêm các sản phẩm mới. Ví như có thể chèo thuyền trên sông Ô Lâu ngắm mưa, thăm 12 bến nước của làng gốm cổ Phước Tích, hay có thể kéo dài ngày lưu trú của du khách với những đêm trình diễn thời trang áo dài… Cũng đừng nên gọi Huế - mùa mưa như một thói quen trời định, mà luôn nghĩ mưa mang lại sự sống, mưa làm cho cây cối xanh tươi.

Chưa biết sản phẩm du lịch mưa Huế sẽ hút khách ra sao, liệu mục tiêu Thừa Thiên Huế đặt ra trong năm nay đón từ 2 đến 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt từ 1,2 đến 1,5 triệu lượt, mang về doanh thu 2.500 đến 3.000 tỷ đồng… có thành hiện thực? Thôi thì trước mắt, cứ viết chút gì về Huế bằng cảm nhận, tình cảm của mình để mưa Huế sẽ là "đặc sản" du lịch...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gọi tên mưa Huế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.