Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 phải rõ ràng, minh bạch, công khai. Gói hỗ trợ phải đến tận tay người dân, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết như trên khi trả lời báo chí về công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện trong thời gian qua.
Chống dịch và chống sự trì trệ trong các cơ quan nhà nước
- Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Việt Nam đã thành công trong giai đoạn 1 của chống dịch Covid-19, nhưng hiện nay chúng ta phải đối mặt với những nguy cơ lớn hơn rất nhiều. Vậy Chính phủ nhận định như thế nào về khó khăn và thách thức của việc chống dịch Covid-19 trong giai đoạn này?
- Cuối tháng 1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra (Covid-19) do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Thủ tướng cũng đã đưa ra các nhận định, dự báo về nguy cơ của dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến nước ta.
Cùng với sự cố gắng của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng lòng của người dân, chúng ta đã thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh ở giai đoạn 1.
Tuy nhiên, đến nay dịch Covid-19 rất gay go so với giai đoạn đầu, dịch bệnh đã lan ra hầu hết các nước trên thế giới với số ca nhiễm và số người tử vong, thiệt hại vô cùng lớn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận định, công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3 rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định.
Trong giai đoạn này, nếu chúng ta làm không tốt, sẽ có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt đưa ra các chỉ đạo bởi nếu dịch bùng phát sẽ tạo ra thiệt hại vô cùng lớn về sức khỏe và tính mạng người dân mà không thể bù đắp được.
Từ đó, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu thực hiện "chống dịch như chống giặc", quan điểm là chịu thiệt hại về kinh tế trước mắt để đổi lấy sự an toàn và sức khỏe cho người dân.
Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải hết sức cảnh giác, không thỏa mãn với kết quả của giai đoạn 1 mà tuyệt đối không được chủ quan, luôn chủ động, sẵn sàng mọi điều kiện ứng phó với các tình huống, kể cả tình huống xấu nhất.
- Với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Chính phủ đã thay đổi kịch bản như thế nào để có thể giữ vững được những mục tiêu tăng trưởng?
- Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải đạt được 2 mục tiêu một lúc, đó là vừa chống dịch vừa bảo đảm cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là 2 mục tiêu cùng một lúc rất quan trọng.
Từ đó, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng dự kiến kịch bản tăng trưởng của Việt Nam tùy vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Tại phiên họp Chính phủ tháng 3-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dịch Covid-19 đang tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội. Trường hợp dịch kéo dài đến hết quý II-2020 thì tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,32% và nếu được khống chế trong quý III-2020 thì tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,05%.
Với tình hình này, tôi cho rằng chúng ta phải rà soát, xem xét lại kịch bản tăng trưởng vì hiện nay nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, nếu tình trạng này kéo dài thì có thể nói tỷ lệ doanh nghiệp phá sản rất lớn.
Theo báo cáo của Đại học Kinh tế quốc dân, nếu như cầm cự được dịch và chấm dứt trong tháng 4 thì số lượng doanh nghiệp phá sản chiếm khoảng 6%, số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất chiếm khoảng 32%. Như vậy, đây là con số sẽ ảnh hưởng đến nhiều lao động khi phải nghỉ việc và không có việc làm.
Trước tình hình, diễn biến phức tạp khó lường của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để hỗ trợ người dân; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Trong chỉ đạo của Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vấn đề điều hành, thi hành công việc ở các cấp, các ngành, yêu cầu phải tạo ra sự thay đổi về tư duy và cách làm. Chúng ta vừa chống dịch nhưng chúng ta phải chống sự trì trệ trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Khi giải quyết công việc, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan nhà nước linh hoạt và cương quyết thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Không để các nhiệm vụ nợ đọng, các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được giải quyết thấu đáo, thấu tình đạt lý đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Giúp người dân giảm thiểu khó khăn vì dịch Covid-19
- Chính phủ đã trình dự thảo Nghị định liên quan đến gói an sinh xã hội lên tới hơn 61.500 tỷ đồng. Vậy xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết tiến độ xây dựng Nghị quyết này như thế nào và dự kiến bao giờ gói này triển khai thực thi được?
- Song song với đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kiên trì để thành công trong mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng vẫn khẳng định chấp nhận thiệt hại kinh tế trong một giai đoạn ngắn để bảo đảm sức khỏe và tính mạng cho người dân. Lúc này luôn đặt ra vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và an sinh xã hội.
Nội bộ Chính phủ đã bàn, thống nhất cao trình Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và các cấp có thẩm quyền để đưa ra các gói hỗ trợ trước mắt cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn với trị giá hơn 61.500 tỷ. Gói an sinh xã hội này được dành cho 6 nhóm đối tượng.
Gói an sinh xã hội này rất quan trọng, giúp người dân giảm thiểu khó khăn vì dịch bệnh, hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp sử dụng lao động như vay không lãi suất. Trong khi đang xem xét tháo gỡ khó khăn về giãn, hoãn thuế, hạ lãi suất tiền vay, khoanh nợ, giãn nợ… thì gói an sinh này rất quan trọng. Nhưng tinh thần 61.500 tỷ sẽ được phân bổ, cụ thể là ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Tôi nhấn mạnh, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là gói hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch, công khai. Gói hỗ trợ đến tận tay người dân, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách, không để xảy ra tình trạng tham nhũng hay thất thoát.
- Thưa Bộ trưởng, gần như 2 ngày một lần, Thường trực Chính phủ họp bàn về các giải pháp chống dịch Covid-19. Điều này mang lại ý nghĩa như thế nào trong công tác chỉ đạo, điều hành hiện nay?
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cứ 2 ngày Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp một lần và Thường trực Chính phủ họp với Ban Chỉ đạo một tuần 2 lần. Việc này thể hiện sự quyết liệt tập trung cao độ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong các phiên họp có rất nhiều nội dung được trao đổi, từ đưa ra các giải pháp xử lý tình huống ở từng thời điểm. Điều này phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của dịch bệnh để đưa ra những chỉ đạo phù hợp. Sau các cuộc họp đều ban hành ngay các văn bản chỉ đạo để hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân.
- Trong thời điểm hiện nay, công việc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và cán bộ của cơ quan có thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Không riêng gì tôi, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của VPCP và các bộ, ngành, địa phương trong lúc này đều làm việc trong tâm thế vừa phòng dịch, vừa bảo đảm hoàn thành công việc.
Đây cũng là thời gian để xem lại, đánh giá lại công việc. Tôi cho rằng dịp này là thách thức nhưng cũng là cơ hội thay đổi những cách làm truyền thống để giải quyết công việc nhanh, dứt khoát, hiệu quả. Đây cũng là thời cơ áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng CNTT, phát triển dịch vụ công trực tuyến. Là cơ hội doanh nghiệp nhìn nhận lại mình để cơ cấu, quản trị lại; cũng là cơ hội để các cơ quan nhà nước nhìn nhận để thay đổi tư duy, hành vi, tham mưu cơ chế chính sách đặc biệt để tháo gỡ khó khăn tiếp theo.
Tôi cũng đề nghị người dân và cộng đồng doanh nghiệp hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Chúng ta phải đồng lòng, đoàn kết, nhất trí vượt qua dịch Covid-19. Tôi cũng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, trong lúc này, doanh nghiệp cần phải thay đổi năng lực quản trị, tái cơ cấu sản xuất, sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử, gửi nhận văn bản điện tử.
Là người đứng đầu VPCP, tôi quán triệt rõ với đội ngũ cán bộ cần giữ cho mình và giữ cho tập thể. Tại VPCP quy định rất nghiêm ngặt về công tác phòng, chống dịch Covid-19, quy định rõ về rửa tay, sát trùng, đeo khẩu trang... Với việc làm việc ở nhà, cần ứng dụng Chính phủ điện tử trong công việc.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.