Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góc khuất ngày Vu Lan

Tuệ Diễm| 31/08/2012 06:22

(HNM) - Dịp lễ Vu Lan này, tại các viện dưỡng lão, hay các mái ấm tình thương, lại tấp nập người đến thăm hỏi, trao quà cho các cụ già neo đơn. Nhưng niềm vui chỉ ánh lên một chút trong khóe mắt, làm giãn phần nào vết thời gian và những u uất khắc sâu trên những khuôn mặt


Sự sẻ chia ấy dường như không thể làm dịu bớt nỗi đau về sự phũ phàng của kẻ đã quên đi bài học đầu tiên của mỗi con người: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...".

Còn nỗi đau nào hơn thế?

Chúng tôi tìm đến Viện dưỡng lão Thiên Ân (còn gọi là mái ấm Thiên Ân - quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), nơi nuôi dưỡng hơn 120 cụ già có hoàn cảnh éo le. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh là người gần 20 năm quản lý mái ấm hiểu từng câu chuyện, từng hoàn cảnh thương tâm của các cụ tá túc nơi đây, kể: Vào một đêm trời mưa gió có anh công an dắt một cụ già bị lạc chân tay run rẩy vì lạnh đến gửi nhờ. Bà cụ tuổi già mắc bệnh hay quên nên dù có 7 đứa con, 20 đứa cháu nhưng chúng đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm sóc. Sau khi thông tin về cụ được đưa lên mạng internet, đám con cháu hay tin, thuê hẳn ô tô lên thăm rồi năn nỉ mái ấm Thiên Ân... nuôi giúp. "Có một người còn nói: Nếu cần các cô chú cứ xích cụ lại giùm con, chứ về nhà không có ai trông, cụ lại đi lang thang khổ con cháu" - bà Thanh kể mà giọng nghẹn lại.


Các cụ già xếp tăm bông tại mái ấm Thiên Ân.

Đau xót hơn nữa là trường hợp cụ Hồng đã 89 tuổi nằm liệt 5 năm tại đây. Thấy chúng tôi ghé thăm, cụ khẽ hé ánh mắt hướng lên như muốn chào bởi cụ không còn nói được nữa. Cụ Hồng có nhà ở quận Gò Vấp, trước đây đứa cháu trai của gia đình nghiện cờ bạc đã dụ cụ bán nhà về ở với con với cháu để tiện bề chăm sóc. Người già nay yếu mai đau, cũng muốn kề con cháu, cụ Hồng vui vẻ bán nhà được 500 triệu đồng đưa cho cháu. Đứa cháu "vồ" được tiền bèn thuê xe chở cụ đến bỏ tại đây rồi đến sòng bạc nướng hết. "Thi thoảng có người gọi điện thoại hỏi thăm bà cụ, tôi bảo gia đình sắp xếp xuống thăm, cụ sắp mất rồi. Ấy vậy mà người đó lấy cớ thoái thác rồi năn nỉ tôi lo cho cụ... Hai mươi năm nay tôi chỉ quen nhận được các cuộc điện thoại trình bày hoàn cảnh khó khăn xin gửi mẹ vào, chưa hề có trường hợp con cái, người thân đến xin nhận lại mẹ mang về nuôi dưỡng…" - bà Thanh lại rưng rưng.

Tại mái ấm Thiên Ân có hơn 10 cụ bị chứng trầm cảm vì bị con cháu hắt hủi do không chịu được sự khó tính của người già. Họ lầm lỳ cả ngày chẳng nói chẳng rằng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ai cũng mong muốn được quây quần bên con cháu thì các cụ vẫn phải chật vật với cuộc sống. Các cụ còn khỏe mạnh hằng ngày vẫn làm các công việc gia công để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống cho mái ấm và giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Người tinh mắt thì cầm dao cắt đầu củ tỏi, cụ mắt mờ thì lần mò bóc vỏ. Ngày ngày, những đôi tay da nhăn nheo run rẩy, những bàn chân đi không vững vẫn hì hụi xếp những que tăm bông vào bịch, bóc tỏi, xâu hạt cườm. Cụ Nội (nhà ở Đồng Nai) nói với chúng tôi, giọng nghẹn lại đầy cay đắng: "Chúng tôi vào đây nương nhờ mái ấm tình thương, không ai mắng mỏ, chửi bới, hắt hủi; những ai mắc bệnh còn được đưa đi bệnh viện, nếu mất còn có người lo an táng".

Dẫu vậy, hầu như tất cả các cụ ở đây vẫn không oán trách con cháu. Thậm chí có khách đến thăm hỏi đều nói dối là không chồng, không con. Bà Thanh bảo các cụ sợ con, cháu mang tai tiếng ngoài xã hội. Còn sự vị tha, hy sinh, chịu đựng nào hơn thế nữa?!

Ấm áp tình người!

Những ngày Vu Lan báo hiếu này, hàng đoàn, hàng đoàn "người dưng" khắp nơi đã đến với mái ấm Thiên Ân với những món quà mang nặng nghĩa tình, từ chai dầu gió, ít quần áo đến tiền mặt. Trên khắp các trang mạng xã hội, diễn đàn như 5giây, otosaigon.com... các thành viên cũng lên kế hoạch quyên góp để làm chữ "hiếu" với các cụ già, không chỉ ở Thiên Ân mà khắp nơi.

Theo chân một đoàn từ thiện như thế, chúng tôi đến Khu dưỡng lão nghệ sĩ tại quận 8 TP Hồ Chí Minh. Nơi đây dành cho "những người của công chúng" bước vào tuổi xế chiều hoặc thất thế muốn có bạn già với nhau, hoặc họ không muốn ở với con cháu vì nhiều lý do. Đây cũng là nơi cư ngụ đến cuối đời của 23 nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như: Thiên Kim, Ngọc Đáng, Lệ Thẩm… Nghệ sĩ T.X (xin giấu tên) bùi ngùi kể rằng gia đình có 5 người con nhưng ai cũng nghèo phải sống nhờ nhà chồng, nhà vợ. "Tôi chỉ có một căn nhà nhường cho thằng út ở rồi xin vào đây đã được chục năm… Ở đây được chăm sóc tốt, cơm ăn ngày hai bữa no, có khi con cái thấy mẹ như vậy là yên ấm nên nó… quên mất. Mùa Vu Lan rồi mà chưa thấy đứa nào ghé thăm". Người nghệ sĩ già một thời quen với ánh đèn hoa lệ của sân khấu khẽ thở dài.

Ông Tần Nguyên, Trưởng ban quản lý Khu dưỡng lão nghệ sĩ tâm sự: "Mùa Vu Lan báo hiếu, các nghệ sĩ ở đây hầu như ngày nào cũng có khách tới thăm. Kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc nghệ sĩ hoàn toàn nhờ vào các tấm lòng hảo tâm đóng góp! Các Mạnh thường quân khắp nơi mang tới nào gạo, mỳ gói, đường, sữa và cả tiếng hát, tiếng cười… phần nào khiến người nghệ sĩ thanh thản lòng!".

Cũng tương tự, đến chùa Lâm Quang (Bến Bình Đông, quận 8), chúng tôi không nén được xúc động khi chứng kiến đến cả các em sinh viên không có tiền cũng chia thành nhóm phân công nhau mỗi ngày đi lau dọn, giặt giũ giường chiếu, bấm móng tay, móng chân, cắt tóc cho các cụ già. Vừa nhặt rau chuẩn bị bữa cơm trưa cho các cụ, chị Lương Thị Hạnh (nhà ở quận 6) vừa hồ hởi: "Tôi rủ được mấy người bạn, gom góp ít tiền để hằng năm cứ vào ngày 8 âm lịch đến nấu một ngày cơm cho các cụ ở đây rồi đến ngày 10 chạy qua nấu cơm cho các cụ ở trong Tịnh xá Lộc Uyển (Kinh Dương Vương, quận 6)!". Không chỉ riêng mùa Vu Lan, cứ cuối tuần ở chùa Lâm Quang luôn có những tấm lòng tình nguyện tìm đến giúp nấu, bón cơm, làm vệ sinh cho các cụ già bị liệt.

Ni cô Thích Nữ Huệ Tuyến, trụ trì cho biết, hơn 15 năm nay chùa nhận nuôi dưỡng người già neo đơn (hiện là 142 cụ). Chùa thường xuyên nhận được cuộc điện thoại của người ngoài xin gửi mẹ hoặc cha vào đây. Có người được trụ trì thuyết giáo, khuyên giải họ về đạo lý làm con thì đã thay đổi ý định. Nhưng cũng có người không nghe, mang cha mẹ mình đến tận cửa chùa nhờ nuôi. Như một lời nhắn nhủ, Ni cô Thích Nữ Huệ Tuyến nói: "Âu cũng là số phận, tình nghĩa cha con, vợ chồng đều có nhân duyên, các vị đối xử với cha mẹ mình như thế nào thì con cái sau này đối xử với mình như vậy, đó là luật nhân quả"…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góc khuất ngày Vu Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.