Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Góc khuất” của chính sách thuế

Hương Ly| 12/08/2015 05:51

(HNM) - 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết từng gặp vướng mắc về thuế; 92% trong số này đã gửi thắc mắc tới các chi cục thuế và 77% cảm thấy hài lòng với những giải đáp vướng mắc của cơ quan thuế.

Đây là số liệu được công bố tại hội thảo "Đánh giá cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế - Mức độ hài lòng của DN năm 2014" do Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 11-8 tại Hà Nội. Kết quả khảo sát đã cho thấy những bước tiến của ngành thuế trong công tác cải cách hành chính. Song, vẫn còn 32% DN cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế và đây là điều đáng lo ngại.

Cán bộ Chi cục Thuế quận Hoàng Mai (Cục Thuế Hà Nội) giải đáp thắc mắc về lĩnh vực thuế cho người nộp thuế. Ảnh: Viết Thành


Thủ tục thuế vẫn... khó hiểu

Với mục đích đánh giá tác động của công tác cải cách TTHC thuế với cộng đồng DN, nhóm khảo sát đã gửi phiếu đánh giá về 4 nhóm vấn đề: Tiếp cận thông tin, đánh giá việc thực hiện TTHC thuế, thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, phục vụ của công chức thuế. 9.577 phiếu điều tra đã được gửi tới các DN, số DN phản hồi thông tin là 2.542 (chiếm 27%), đủ số lượng để bảo đảm tính khách quan trong một cuộc điều tra xã hội học.

Kết quả khảo sát đã cho thấy: Ngành thuế đã đạt được những bước tiến nhất định trong cắt giảm TTHC thuế cho DN. Về tiếp cận thông tin, 51% DN được hỏi cho biết có thể tiếp cận dễ dàng với các văn bản pháp luật liên quan. Về cải cách TTHC thuế, có 79% DN cho biết thông tin về TTHC thuế là sẵn có, dễ tìm. Song, chỉ có 58% DN cho rằng các thông tin này đơn giản và dễ hiểu. Cứ 10 DN được hỏi thì có 7 đơn vị cho biết từng gặp vướng mắc về chính sách, pháp luật thuế. 92% trong số này đã gửi các câu hỏi tới cục thuế các tỉnh, thành phố và tỷ lệ hài lòng với lời giải đáp của cơ quan thuế là 77%.

Về công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, 52% DN cho biết có đón đoàn thanh tra thuế trong năm 2014 và 90% trong số đó đồng ý rằng thời gian kiểm tra đúng với quyết định thanh tra. Khoảng 80% DN trong số này cho rằng thái độ của cán bộ thuế đúng mực và 87% cho biết họ được giải trình với đoàn thanh tra về những vấn đề chưa rõ trước khi kết luận được công bố.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tại hội nghị gặp gỡ DN do Văn phòng Chính phủ phối hợp với VCCI tổ chức năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận xét: DN và người dân nộp thuế khó khăn quá. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân về việc đó. Ngay sau đó, Thủ tướng đã có buổi làm việc trực tiếp với ngành thuế và chỉ đạo ngay trong năm 2015 phải cắt giảm TTHC thuế xuống mức ngang bằng các nước ASEAN 6. Việc cắt giảm thủ tục nộp thuế từ mức hơn 500 giờ/năm xuống mức 121 giờ, tương đương 6 nước dẫn đầu khu vực là một khối lượng công việc đồ sộ và không ít người hoài nghi về khả năng thực hiện. Thế nhưng, ngành thuế đã và đang triển khai công việc này. Đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam cho rằng, quyết tâm mạnh mẽ đã giúp Việt Nam thực hiện việc cải cách một cách nhanh chóng và gần nửa triệu DN sẽ được hưởng lợi, từ đó sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Doanh nghiệp chưa có bạn đồng hành

Cộng đồng DN đã, đang chấm điểm khá cho ngành thuế, song vẫn còn không ít những lời phàn nàn khiến DN cảm thấy chưa thực sự tìm được "bạn đồng hành" trên bước đường kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy, 49% DN từng gặp phiền hà trong thực hiện TTHC thuế. Hai nhóm thủ tục mà DN gặp nhiều phiền hà nhất là: Đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế và khai thuế. Một vấn đề khác mà DN thường gặp là một số cán bộ thuế vẫn yêu cầu cung cấp nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết và thời gian giải quyết thủ tục quá dài, nhất là thủ tục miễn, giảm và hoàn thuế.

Đặc biệt, nhiều DN vẫn phản ánh về khoản chi phí không chính thức mà họ phải chi trả. 32% DN cho biết phải chi khoản tiền này cho cán bộ thuế. Trung bình có 40% DN tin rằng họ sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí không chính thức. Trong đó, không ít đơn vị cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi các khoản "không chính thức"; 50% cho biết họ sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ; 37% lo ngại bị kéo dài thời gian làm thủ tục thuế và khoảng 15% cho biết công chức thuế sẽ có thái độ không văn minh, lịch sự khi tiếp xúc.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng: Việc các địa bàn có lượng DN lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, số DN có phản hồi chỉ khoảng hơn 20% cho thấy chính các DN đang thờ ơ với những vấn đề có quan hệ thiết thân với mình. Mặc dù lý do được nhiều đơn vị giải thích cho quyết định này là để được nhận hai chữ "bình yên", song nếu không thẳng thắn nhìn vào những tồn tại và tháo gỡ thì mãi mãi dậm chân tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Cúc nêu dẫn chứng về việc nhiều hội nghị tập huấn chính sách thuế, ban tổ chức đã nỗ lực tìm chuyên gia và sẵn sàng trả phí cao để phục vụ DN, nhưng số lượng đến dự quá ít, hoặc bỏ dở giữa chừng. "Tôi thừa nhận cải cách là con đường gian nan và đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng muốn thành công, nhất thiết phải có sự hưởng ứng của cộng đồng DN", bà Nguyễn Thị Cúc nêu ý kiến.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngành tài chính sẵn sàng lắng nghe, trao đổi và giải quyết mọi vướng mắc của cộng đồng DN, song việc giải quyết sẽ phải tuân thủ đúng pháp luật hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời mong muốn thời gian tới cộng đồng DN sẽ sát cánh với ngành tài chính trong việc chỉ ra những "góc khuất" của chính sách thuế, từ đó từng bước khắc phục để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Góc khuất” của chính sách thuế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.