Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng mắc trong thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Hương Thủy| 11/11/2022 19:38

(HNMO) - Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) ra đời đã có nhiều điểm mới so với trước đây, song quá trình triển khai phát sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Chiều 11-11, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL.

Quang cảnh hội thảo.

Theo đại diện Bộ Tài chính, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã thể hiện các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TƯ năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL và Nghị quyết số 27/NQ/TƯ năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó quy định theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ cho các đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính, quy định rõ về cơ chế giá cung cấp dịch vụ, quy định rõ cơ sở pháp lý sử dụng tài sản công trong liên doanh liên kết…

Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị định đã phát sinh một số vướng mắc. Chẳng hạn, năm 2020-2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các ĐVSNCL, đặc biệt là đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm mục tiêu đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tiếp theo sẽ không bảo đảm được tính đầy đủ, khách quan, từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo.

Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó quy định: “Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”.

Theo đó, khi phê duyệt phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các ĐVSNCL sẽ chưa thực hiện ngay việc chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TƯ và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, quy định về cách xác định trích nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương tại Nghị định này không còn phù hợp thực tế, bởi nhiều đơn vị thừa nguồn cải cách tiền lương nhưng thiếu nguồn bảo đảm chi thường xuyên…

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các ĐVSNCL được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022.

Đồng thời, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; trong đó bỏ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 16 và Điểm b Khoản 1 Điều 20 về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương vì không phù hợp với nội dung của các điều này là quy định về nội dung chi thường xuyên giao tự chủ dẫn đến hiểu nhầm là nguồn kinh phí cải cách tiền lương trích lập đơn vị được thực hiện tự chủ, nội dung quy định về cách xác định trích nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương tại các điều này không phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 35 quy định về giao quyền tự chủ tài chính của ĐVSNCL có đơn vị sự nghiệp trực thuộc; sửa đổi quy định tại Khoản 4 Điều 35 về lộ trình giảm chi thường xuyên giao tự chủ của ĐVSNCL…

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Ban soạn thảo cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP phù hợp với thực tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng mắc trong thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.