Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng mắc bằng… nắm chắc luật

Hà Phong| 14/04/2012 04:11

(HNM) - Dự báo, kể từ ngày 1-7 tới, số vụ yêu cầu bồi thường của nhà nước sẽ gia tăng đáng kể khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, do phạm vi giải quyết vụ án hành chính của tòa án được mở rộng, đặc biệt là quy định hồi tố cho phép khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi, quyết định quản lý hành chính về đất đai từ năm 2006.

Nhưng chỉ khi người dân tiếp cận và sử dụng luật có hiệu quả, mới có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp toàn diện của mình. Đây là nội dung trao đổi giữa ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước với PV Báo Hànộimới.

- Sau hơn hai năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN), tình hình giải quyết yêu cầu bồi thường như thế nào, thưa ông?

- Theo số liệu chúng tôi nắm được, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã tiếp nhận khoảng gần 400 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại thuộc tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đã thụ lý giải quyết khoảng 300 vụ việc (chưa bao gồm các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi quản lý hành chính trong thủ tục giải quyết vụ án hành chính).

Phần lớn đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tập trung chủ yếu vào các vấn đề về đất đai, nhất là trong quá trình giải tỏa, thu hồi đất. Ngoài ra, thi hành án cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều yêu cầu về bồi thường. Nhìn chung, sau khi Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực, các phán xét của cơ quan luật pháp đã công bằng và minh bạch hơn nhiều. Riêng đối với giới công chức thực thi trong lĩnh vực này, luật đã giúp họ mạnh dạn, cương quyết hơn khi đưa ra các quyết định liên quan đến bồi thường.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại hiện nay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai như giải tỏa, thu hồi đất... Ảnh: Bá Hoạt

- Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, chưa có nhiều yêu cầu bồi thường của người dân và doanh nghiệp liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân. Một phần do người dân, tổ chức và doanh nghiệp chưa biết hoặc nắm bắt chưa toàn diện, chưa thấu đáo về cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật TNBTCNN. Nên, nhiều người dân bị thiệt hại thuộc phạm vi TNBTCNN nhưng chưa biết sử dụng cơ chế này để đòi quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trường hợp khác, đã thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhưng lại chưa thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật theo quy định của luật…

- Nhưng cũng có những quy định của Luật TNBTCNN cũng đang làm khó cho người bị thiệt hại?

- Quả là có chuyện này. Luật hiện hành đưa ra quy định chỉ "có quyền yêu cầu giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường" (khoản 1, Điều 4) khiến người dân lúng túng trong vận dụng. Ngoài ra, một số cơ quan nhà nước cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Nhiều đơn vị có trách nhiệm giải quyết bồi thường nhưng lại trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Một vài trường hợp có yêu cầu bồi thường thì lại thỏa thuận bồi thường dân sự chứ không thực hiện qua thủ tục bồi thường của Luật TNBTCNN.

Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, số vụ yêu cầu bồi thường của nhà nước sẽ tăng đáng kể vì Luật Tố tụng hành chính đã có hiệu lực thi hành (1-7-2011), trong đó phạm vi giải quyết vụ án hành chính được mở rộng, đặc biệt là quy định hồi tố cho phép khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi, quyết định quản lý hành chính về đất đai từ năm 2006. Và người dân, tổ chức, doanh nghiệp một khi đã được tuyên truyền thấu đáo các vấn đề về TNBTCNN cũng sẽ chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, có một điều mà người dân, doanh nghiệp bị gây thiệt hại cần lưu ý là thời hiệu yêu cầu bồi thường, nếu để hết thời hiệu sẽ bị mất đi quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Theo quy định hiện hành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác bồi thường có đối tượng rộng lớn, bao gồm hàng vạn đầu mối là các cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý hành chính ở trung ương và cấp tỉnh, huyện, xã; các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án. Nhưng một số bộ, ngành vẫn "nợ" văn bản hướng dẫn. Điều này có ảnh hưởng đến việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của người dân?

- Việc chậm có văn bản hướng dẫn thi hành có ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến quyền yêu cầu bồi thường của người dân, doanh nghiệp. Từ khi Luật TNBTCNN có hiệu lực thi hành, chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn, các cơ quan chức năng vẫn thụ lý đơn yêu cầu và giải quyết theo tinh thần của luật, chứ không phải thiếu văn bản hướng dẫn thì chưa thực hiện luật.

Dự kiến trong tháng 4-2012, thông tư hướng dẫn về tài chính trong bồi thường của nhà nước do Bộ Tài chính chủ trì sẽ được ban hành. Ngoài ra cũng sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn quản lý nhà nước về công tác bồi thường cho các cơ quan tư pháp ở địa phương.

- Vậy hiện tại, khi cơ quan phải bồi thường gặp vướng mắc, thì người dân, DN phải "víu" vào đâu, thưa ông?

- Việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật TNBTCNN và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Cơ quan phải bồi thường nào gặp vướng mắc thì có thể xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ để giải quyết. Mặt khác, chính các cơ quan này cũng cần cập nhật kiến thức, tăng cường trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau, để giải quyết thấu đáo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng mắc bằng… nắm chắc luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.