Kinh tế

Gỡ “thẻ vàng” không phải mục tiêu duy nhất

Tiến Thành 15/08/2023 - 18:14

Tiếp tục phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn của các đại biểu chiều 15-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng tình với quan điểm gỡ “thẻ vàng” không phải mục tiêu duy nhất mà quan trọng là cải thiện môi trường biển.

leminhhoan.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.

Cấu trúc lại ngành thủy sản

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) việc Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10-2023 hay không, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được bảo đảm thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.

Theo Bộ trưởng, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, ngư dân, doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, chẳng hạn đánh đắm tàu vi phạm. Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.

nguyentuananh.jpg
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) chất vấn.

Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) về việc khung pháp lý của Việt Nam còn những khó khăn, vướng mắc gì để gỡ “thẻ vàng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, khó vẫn phải làm, nhưng Bộ sẽ nghiên cứu lại những quy định bất cập để sửa đổi. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực thi nghiêm quy định, trong đó có quy định tại Luật Thủy sản.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng việc gỡ “thẻ vàng” không chỉ là mục tiêu duy nhất mà quan trọng là cải thiện môi trường biển, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển sẽ mang lại giá trị kinh tế, giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ, hiện nay cấu trúc ngành thủy sản nước ta còn manh mún, do đó, các cơ quan phải cùng cộng đồng trách nhiệm,chung tay với ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng mới có thể quản lý được tốt.

Về giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, chỉ cần một tàu vi phạm là không được gỡ “thẻ vàng”. Theo Bộ trưởng, cấu trúc lại ngành thủy sản sẽ giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, kỹ năng đi biển và trách nhiệm của ngư dân…

nguyenanhtri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) tranh luận.

Nâng cao giá trị nông sản

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) về giải pháp không phải nhập khẩu muối và để diêm dân có thể sống bằng nghề của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay nghề muối truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng muối đang thu hẹp. Đời sống người dân làm muối chưa bảo đảm. Bộ trưởng cho rằng, cần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành này, chuyển đổi từ tư duy sản xuất muối sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.

“Bộ đang thực hiện theo hướng đó, và nhiều doanh nghiệp cũng đang góp phần tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho ngành này”, Bộ trưởng nói.

Chưa hài lòng về câu trả lời của Bộ trưởng, tiếp tục tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt vấn đề, Việt Nam là nước có bờ biển dài nhưng vẫn phải nhập khẩu muối. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng là tất yếu trong cơ chế thị trường, giống như ngành than có tiềm năng nhưng vẫn phải nhập khẩu. Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu có giải pháp công nghệ để muối đáp ứng tiêu chí công nghiệp và có giá trị hơn.

nguyenhongdien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

Cũng trả lời chất vấn tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Trong những năm qua, giá trị hàng hóa, giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước ta, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn có quy mô nhỏ, phân tán, hoạt động nuôi trồng diễn ra tự phát, manh mún và theo phong trào, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung, chất lượng nông, thủy sản xuất khẩu…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành, áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất quy mô lớn, liên kết các cơ sở sản xuất với người dân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ “thẻ vàng” không phải mục tiêu duy nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.