Tuyển sinh

Gỡ rối tư vấn xét tuyển đại học

Thống Nhất 20/07/2024 20:15

Hạn cuối đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học là 17h ngày 30-7-2024. Thí sinh cần ghi nhớ các nguyên tắc xét tuyển để tránh bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển.

Ngày 20-7, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Tuổi trẻ và một số đơn vị tổ chức ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024. Hoạt động nhằm cung cấp thông tin tin cậy, chính xác, đồng thời giúp thí sinh gỡ rối những băn khoăn, lo lắng trong quy trình xét tuyển.

Giải đáp nhiều “vấn đề nóng”

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hạn cuối đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 là 17h ngày 30-7.

Trước đó, vào ngày 17-7, thí sinh đã biết điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; nhiều thí sinh cũng đã được các trường đại học thông báo đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm.

Thực tế diễn ra tại ngày hội tư vấn xét tuyển cho thấy, dù có nhiều lợi thế như vậy, nhưng không ít thí sinh vẫn khá hoang mang, lo lắng. Các câu hỏi của thí sinh, phụ huynh tại ngày hội là: Làm thế nào để trúng tuyển đúng nguyện vọng mình yêu thích nhất? Cách nào để không bị trượt hết các nguyện vọng? Tại sao năm nay trên hệ thống đăng ký xét tuyển lại không có ô chọn tổ hợp/phương thức xét tuyển? Có điểm gì khác nhau giữa nội dung, thời lượng, bằng cấp đào tạo giữa chương trình chuẩn và chương trình tiên tiến, liên kết quốc tế...

tu-van-2.jpg
Thí sinh nghe tư vấn xét tuyển tại từng gian hàng của các trường đại học, cao đẳng. Ảnh: Thống Nhất

Giải đáp băn khoăn của thí sinh về cách thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, thí sinh chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo của trường mình có nguyện vọng học, không lựa chọn phương thức hoặc xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển. Đây là điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được áp dụng từ năm 2023, tuy nhiên vẫn có không ít thí sinh nhầm lẫn. Việc chỉ đăng ký vào ngành/trường giúp thí sinh tránh sai sót, nhầm lẫn giữa các tổ hợp và phương thức xét tuyển. Hệ thống xét tuyển của Bộ sẽ lựa chọn dữ liệu tốt nhất mà thí sinh cung cấp để xét tuyển.

Trước câu hỏi của nhiều thí sinh về việc, nguyện vọng 1 có được xét ưu tiên hơn các nguyện vọng sau hay không, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định, không có quy định về việc các trường ưu tiên nhận hết thí sinh có nguyện vọng 1 rồi mới xét tiếp nguyện vọng 2, nguyện vọng 3... Đối với một ngành đào tạo (hoặc một chương trình đào tạo) theo một phương thức và tổ hợp môn, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Vì thế, để bảo đảm cơ hội trúng tuyển vào ngành mình thích nhất, mong muốn và có khả năng học tập tốt nhất, thí sinh cần xếp thứ tự ưu tiên ở cao nhất. Vì theo nguyên tắc xét tuyển của hệ thống, khi thí sinh đã trúng tuyển ở nguyện vọng 1, hệ thống sẽ dừng lại, không xét tiếp ở nguyện vọng 2. Điều này để bảo đảm mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng, dành cơ hội cho những thí sinh khác.

Quá nhiều chương trình đào tạo, lựa chọn thế nào?

Với hơn 150 gian tư vấn trong khuôn khổ ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay, các thí sinh có thêm nhiều thông tin chi tiết về phương thức, chỉ tiêu cụ thể của từng ngành. Nhưng cũng có thí sinh khá lo lắng vì giữa một “rừng” các trường đại học, cao đẳng, mỗi trường lại có vài chục chương trình đào tạo, thậm chí cùng một chương trình đào tạo nhưng lại có chương trình chuẩn, chương trình tiên tiến... Nhiều thí sinh hoang mang không biết lựa chọn thế nào cho phù hợp nhất, tránh phải bỏ dở việc học giữa chừng vì chán, vì không đáp ứng được yêu cầu của chương trình.

tu-van-3.jpg
Các gian tư vấn đều kín chỗ trong ngày 20-7 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất

Ông Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hầu hết các trường đại học hiện nay đều có nhiều chương trình đào tạo khác nhau. Nội dung này được nêu rõ tại đề án tuyển sinh của từng trường với những quy định rõ về phương thức, chỉ tiêu... Sự khác biệt là ở chương trình đào tạo. Tại các trường hiện nay đưa ra một số chương trình đào tạo. Thứ nhất là chương trình chuẩn (đại trà) - là các chương trình có truyền thống lâu đời. Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 40 trong tổng số 44 chương trình đào tạo chuẩn. Thứ hai, chương trình tiên tiến (hoặc chất lượng cao) hướng tới thị trường lao động nước ngoài. Thứ ba là chương trình hợp tác với các trường quốc tế, sinh viên theo học phải học bằng ngôn ngữ của nước đó.

Điểm giống nhau giữa các chương trình là về kiến thức chuyên môn. Ví dụ, ở chương trình đào tạo khoa học dữ liệu thì ở chương trình chuẩn và chương trình tiên tiến có khoảng 80% kiến thức chuyên môn tương tự nhau, phần khác nhau là về ngôn ngữ (chương trình chuẩn học bằng tiếng Việt; chương trình tiên tiến học bằng tiếng Anh, Đức, Nhật...).

Để tránh nhầm lẫn, đăng ký bừa hoặc theo trào lưu, các chuyên gia ban tư vấn xét tuyển lưu ý, trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần tìm hiểu rõ đề án tuyển sinh của các trường mình có dự định học và lưu ý, phải tìm hiểu ở các trang, nguồn chính thống. Với những khác biệt nhất định, điểm chuẩn vào các ngành cũng sẽ có sự khác nhau.

Giải đáp câu hỏi về việc liệu khi đăng ký, trúng tuyển vào chương trình chuẩn rồi nhưng muốn chuyển sang chương trình tiên tiến có được không, ông Vũ Duy Hải lưu ý, đã chốt chương trình nào thì đăng ký, trúng tuyển vào học chương trình đó, không thể đỗ chương trình chuẩn lại chuyển sang học chương trình tiên tiến và ngược lại.

Dù khá tự tin với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng vẫn có thí sinh bày tỏ sự lo lắng, đặt câu hỏi: “Nếu em chẳng may trượt đại học năm nay thì năm sau sẽ tham gia xét tuyển thế nào, vì từ năm sau học sinh lớp 12 thi theo chương trình mới”.

Giải đáp câu hỏi trên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay vẫn có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2025 để lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng. Thí sinh không nên quá lo lắng, vì về nguyên tắc, thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Tuy nhiên, có thể các trường đại học sẽ dành tỷ lệ chỉ tiêu ít hơn để xét tuyển với nhóm thí sinh này, vì thế các em sẽ ít lợi thế hơn so với việc tham gia xét tuyển năm nay. Đây là điều thí sinh cần lưu ý, cân nhắc kỹ để có quyết tâm thật cao ngay trong kỳ xét tuyển năm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ rối tư vấn xét tuyển đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.