(HNM) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC (Thông tư 27) quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, nhằm trao quyền chủ động trong việc triển khai thực hiện cũng như thanh quyết toán kinh phí.
- Giáo sư đánh giá như thế nào về sự ra đời của Thông tư 27 trong bối cảnh hiện nay?
- Giới khoa học đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN trong việc ban hành Thông tư. Theo tôi, văn bản ban hành trong bối cảnh phù hợp khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu, rộng trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ. Các quy định mới phù hợp với đặc thù của việc quản lý KH&CN cũng như thông lệ quốc tế, nhằm tháo gỡ dần những khó khăn, bức xúc của các nhà nghiên cứu về cách thức cấp phát tài chính và giải ngân cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, vốn vẫn bị phàn nàn trên nhiều diễn đàn khoa học. Điều này góp phần giảm thời gian hoàn tất chứng từ, loại bỏ việc "nói dối", làm hóa đơn rởm, hóa đơn khống,... để quyết toán các đề tài khoa học.
Phòng thí nghiệm Khoa Sinh học, trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Tấn Thạnh |
- Theo giáo sư, Thông tư 27 có giải quyết được tận gốc những vướng mắc về lĩnh vực tài chính đối với cộng đồng khoa học hay không?
- Điểm mới nổi bật của Thông tư 27 trong cơ chế tài chính là ở phương thức khoán chi. Theo đó, ngoài việc lên dự toán thông thường, các nhà khoa học, tùy theo tính chất công việc có thể lựa chọn một trong hai phương thức: Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần. Nếu lựa chọn cách làm này, việc thanh quyết toán sẽ được cải tiến, thuận lợi hơn. Tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức cho các nhà khoa học, đó là khi nêu nhiệm vụ, các nhà khoa học phải định lượng và đăng ký sản phẩm cụ thể, rõ ràng với mô tả đầy đủ, chi tiết về sản phẩm, về chất lượng, tính năng, tác dụng của sản phẩm. Có như vậy mới khoán, mới kiểm tra được kết quả khi nghiệm thu.
Tôi cho rằng, Thông tư chưa tháo gỡ hết được các vướng mắc trong lĩnh vực tài chính. Bởi nghiên cứu bao hàm việc xây dựng, thiết kế, chế tạo, đưa ra những sản phẩm mới và hoàn toàn mới, có thể chưa có khuôn mẫu, vậy khoán sẽ theo quy chuẩn nào, mức độ nào là phù hợp, khoán có chứa đựng rủi ro thế nào? Một sản phẩm nghiên cứu có thể qua thử nghiệm rất nhiều lần vẫn chưa cho kết quả mong muốn, hoặc nhà khoa học chỉ chọn phần dễ để nhận khoán.
Ngoài ra, theo Thông tư 27, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không được điều chỉnh tổng dự toán kinh phí đã được giao khoán. Điều này yêu cầu sự đánh giá, cam kết rất cao của chủ nhiệm trong việc đưa ra sản phẩm đúng đăng ký với kinh phí định trước nhằm hạn chế rủi ro trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ. Ở các quốc gia khác, cách làm dự toán, khoán, còn có hình thức cơ chế cấp tài chính tổng để thực hiện chương trình theo mục tiêu cụ thể. Trong đó, kết quả trung gian được xem xét hàng năm, sau một vài năm hay 5 năm, tùy theo kết quả mà cơ quan quản lý đánh giá đạt hay không đạt và đưa ra quyết định về kế hoạch tiếp theo hoặc dừng thực hiện.
- Để ban hành Thông tư 27, Bộ KH&CN cũng như Viện Hàn lâm KH&CN đã có những chuẩn bị thế nào?
- Để ban hành Thông tư 27, Bộ KH&CN đã chuẩn bị nhiều việc, đặc biệt là phải tìm hiểu để đưa ra cơ chế tài chính phù hợp trên cơ sở đồng thuận của Bộ Tài chính, đáp ứng được mong muốn của giới khoa học trong cải tiến cơ chế quản lý, cấp phát tài chính và không vi phạm các quy định hiện hành. Đây thực sự là công việc khó khăn, các bên liên quan đã nhiều lần làm việc, rà soát văn bản, quy định. Khi được biết Bộ KH&CN đang chuẩn bị xây dựng nội dung Thông tư, năm 2015, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã có ý kiến đề xuất xin được áp dụng thí điểm cơ chế khoán cho một số nhiệm vụ do Viện chủ trì để rút kinh nghiệm làm cơ sở hoàn thiện Thông tư.
- Thông tư 27 sẽ có những tác động như thế nào đối với hoạt động KH&CN trong thời gian tới, thưa giáo sư?
- Thông tư 27 sẽ giúp thông thoáng phương thức đầu tư và cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học, đồng thời yêu cầu nhà khoa học có trách nhiệm cao hơn khi đăng ký thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi rất hy vọng điều đó sẽ tác động tích cực, tạo điều kiện để triển khai các nhiệm vụ KH&CN thuận lợi hơn.
- Xin cảm ơn giáo sư!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.