(HNM) - Diễn ra trong hai ngày 19 và 20-4, Hội nghị lấy ý kiến về việc xây dựng Luật Giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là Ủy ban) tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục.
Chung chung thì khó vào thực tiễn
Cụ thể hóa các vấn đề trong Luật GDĐH sẽ giải quyết được sự bất cập trước mắt. Ảnh: Linh Tâm
Khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật GDĐH, song đa số ý kiến đều cho rằng Luật GDĐH chưa rõ tính chuyên ngành khi trên nó đã có Luật GD. Theo bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đặt vấn đề: quy định của Luật chung chung quá khiến người ta không cần đọc Luật, chỉ đọc các nghị định, thông tư. Như thế, Luật làm ra là để cho người dân hay để cho cán bộ? Luật GDĐH cần phải có những chế tài cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục những tồn tại hiện nay như công tác tuyển sinh, chất lượng thấp của giáo dục thường xuyên, hiện tượng học vì bằng cấp... Đó là những bức xúc xã hội mà nhiều năm qua chưa tạo được sự chuyển biến.
Theo GS Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong dự thảo Luật chỉ quy định hai loại hình trường là tư thục và công lập, thế là không ổn. Luật không đả động gì tới các trường có yếu tố nước ngoài là một nhược điểm lớn bởi dù gì thì họ cũng tham gia đào tạo con người Việt Nam, không thể ở bên lề được. Ngoài ra, dự thảo Luật không hề nhắc tới đội ngũ cán bộ, công nhân viên của các trường. GS Lê Du Phong đề nghị cần có hẳn một chương nói về tổ chức của cơ sở GDĐH với các quy định về bộ máy, hiệu trưởng, giảng viên... Cũng cần quy định rõ ràng ở Việt Nam có những mô hình GDĐH nào, điều kiện cụ thể với việc thành lập từng mô hình là gì. Ở Việt Nam đang tồn tại 5 mô hình GDĐH khác nhau: ĐH quốc gia, ĐH vùng, trường ĐH, học viện và viện ĐH. “Ta chưa có đánh giá cụ thể đối với 5 mô hình này về sự thích hợp và hiệu quả của nó mà cứ quy định chung chung thì chẳng thể có bước tiến so với hiện tại khi Luật được ban hành”, GS Lê Du Phong lo ngại.
Cần có chương,điều riêng về tự chủ
Đó là ý kiến nhận được sự tán thành của nhiều lãnh đạo trường. Trong đó, nội dung tự chủ về tuyển sinh được Hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và kinh doanh Hà Nội, GS Trần Phương, nêu quyết liệt. GS Trần Phương cho rằng hình thức thi “3 chung”, đặc biệt là quy định về điểm sàn tưởng như là bình đẳng nhưng trong đó bao hàm sự bất bình đẳng, bởi học sinh ở các vùng khó khăn rất chật vật để với được tới điểm sàn. Nếu chấp nhận sự phân tầng thì các ĐH vùng miền sẽ có lợi.
Liên quan đến vấn đề này, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân, nay là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng đồng ý bỏ “3 chung” và quy định về điểm sàn bởi nền giáo dục, vừa đào tạo tinh hoa vừa đại chúng. Phải chấp nhận sự đa dạng thay vì chỉ có một hệ thống chuẩn. Việc thi cử, cấp bằng, mở ngành... cũng chỉ cần đúng pháp luật là các trường được làm. Hệ thống mà cơ quan quản lý ít phải can thiệp nhất, phải là hệ thống hiện đại, trôi chảy.
Những vấn đề được cho là “nhạy cảm” đã được các đại biểu đề cập thẳng thắn, chủ yếu liên quan đến việc thành lập Hội đồng trường trong các trường công lập, thể chế hóa loại hình trường ĐH các cấp... Riêng về Hội đồng trường, chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng công nhận sự thiếu hiệu quả của tổ chức này trong thực tiễn, khi “không quyết được các vấn đề về con người, về bộ máy và tài chính”. Bộ trưởng cho rằng, dù có trong Luật nhưng nội dung Hội đồng trường “chưa chín”, cần được cân nhắc một cách tỉnh táo.
Trước yêu cầu cụ thể hóa nhiều vấn đề trong Luật, GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: lần này Luật GDĐH được soạn thảo là để tập trung giải quyết những bất cập trước mắt, nếu bao gồm tất cả mọi nội dung thì không đủ thời gian để hoàn thiện. Hơn nữa, có nhiều vấn đề còn đang trong quá trình tranh luận, nên không thể đưa vào dự thảo. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng phải giải quyết được những yếu kém, bức xúc trước mắt thì mới có thể tới được “chân trời”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.