Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó trong dồn điền, đổi thửa ở Sơn Tây

Hữu Hoài| 28/06/2013 06:28

(HNM) - Với hiện trạng đồng ruộng manh mún, địa hình phức tạp bao gồm trung du, đồi gò, bậc thang, ruộng vàn, thị xã Sơn Tây gặp nhiều khó khăn trong dồn điền, đổi thửa.

Nhiều ngày qua, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh (Sơn Tây) Phan Thị Lệ Hằng cùng các thành viên Ban Chỉ đạo DĐĐT phường liên tục có mặt trên các cánh đồng căng dây đo đạc, cắm mốc chia ruộng cho 158 hộ dân. "Kết thúc 6 tháng đầu năm, công việc rất bận rộn nhưng phấn khởi hơn cả là chúng tôi thực hiện xong việc giao ruộng đất ngoài thực địa, hoàn tất công tác DĐĐT" - Bà Hằng cho biết.

Phường Xuân Khanh làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Ảnh: Thúy Nga


Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây, đến nay, Xuân Khanh cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Theo bà Hằng, người dân rất phấn khởi bởi dù rất ít ruộng (toàn phường chỉ có gần 25ha đủ khả năng dồn đổi) nhưng nằm rải rác ở 11 xứ đồng. Ruộng đất không bằng phẳng, gồm cả trung du, đồi gò, bậc thang, ruộng vàn, đồng đất lại cách xa nhau, một số cánh đồng chia nhỏ đến mức chỉ một, hai đường bừa là hết ruộng nên sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Hệ thống công trình thủy lợi hầu hết bị hư hỏng, xuống cấp, hạn chế khả năng tưới tiêu... khiến một số hộ dân chán ruộng. Vì vậy, chủ trương DĐĐT để hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng được người dân địa phương đón nhận nhiệt tình.

Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Mỹ Trung Đàm Ngọc Doanh chia sẻ, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hầu hết người dân đồng thuận với phương án, quy chế, cách thức chia ruộng. Chỉ có một vài ý kiến băn khoăn do địa hình đồng ruộng có độ chênh lớn, đề nghị san gạt cho bằng phẳng... Tiếp thu ý kiến của nhân dân, chính quyền địa phương đã trích một phần kinh phí và vận động lực lượng quân đội đóng trên địa bàn hỗ trợ 500 ngày công san gạt, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, nạo vét, tu sửa kênh mương, đường giao thông.

Để có được kết quả ấy là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của thị xã Sơn Tây và chính quyền địa phương. Ban Thường vụ Thị ủy đã phân công thành viên trực tiếp xuống từng xã, phường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Thị xã Sơn Tây còn coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của mỗi tập thể, cá nhân nên đã đôn đốc các xã Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Thanh Mỹ, Xuân Sơn đặt quyết tâm cao trong công tác DĐĐT. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Hà Văn Đông, không riêng gì phường Xuân Khanh, khó khăn lớn nhất của hầu hết xã, phường trên địa bàn là ruộng đất quá manh mún, phân tán. Mặc dù toàn thị xã chỉ DĐĐT 1.000ha nhưng ruộng phân bố ở 306 xứ đồng, bình quân một hộ có 20-28 thửa ruộng, có thửa ruộng chỉ rộng 16m2 nên việc dồn đổi mất nhiều thời gian và khó khăn. Nhưng những khó khăn này đã được giải tỏa, khi 8.027 hộ dân có ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn đều đồng thuận cao với phương án dồn đổi ruộng đất canh tác của địa phương. Đến nay, thị xã Sơn Tây đã hoàn thành việc chia lại ruộng đất trên thực địa cho người dân tại 6 xã, phường, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Chỉ còn xã Đường Lâm tạm dừng DĐĐT do đất nông nghiệp bị trùng với một số quy hoạch liên quan đến khu vực làng cổ. Ông Đông cho biết thêm, để kịp khung thời vụ sản xuất, sau dồn đổi, các địa phương đang tập trung triển khai gieo cấy vụ mùa. Trên cơ sở bản đồ hiện trạng, thị xã đang xúc tiến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ dân và thực hiện kiên cố giao thông thủy lợi nội đồng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó trong dồn điền, đổi thửa ở Sơn Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.