Xã hội

Gỡ khó trong công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

Mai Hoa 25/11/2023 - 06:22

Chia sẻ với những gia đình thân nhân liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, nhiều tổ chức đã cùng vào cuộc.

Nhiều cách làm đã được vận dụng như phương pháp thực chứng, hỗ trợ nghiên cứu, thu thập, kết nối thông tin xác định danh tính, hướng dẫn giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin... Tuy nhiên, đến nay, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, mà trải nghiệm thực tế của Trung tâm Tư vấn pháp lý và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ là minh chứng.

liet-si.jpg
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ Ngô Thị Thúy Hằng (thứ hai từ trái sang) tư vấn việc xác định hài cốt liệt sĩ cho các thân nhân gia đình liệt sĩ.

Những khó khăn từ thực tiễn

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN), trực thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam Ngô Thị Thúy Hằng nói: “Trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ có nhiều trường hợp đến nay vẫn không thực hiện được vì thiếu hướng dẫn cụ thể trong Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”.

Như trường hợp liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thái (quê ở huyện Thanh Oai, Hà Nội), hài cốt được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gia đình liệt sĩ đã nhờ Trung tâm MARIN hỗ trợ pháp lý, có giấy đề nghị xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (nguyên quán xã, đơn vị, ngày sinh) gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, nhưng bị từ chối do “không có quy định về quy trình, thủ tục đính chính đối với các trường hợp thông tin trên bia mộ liệt sĩ có sự sai lệch so với thông tin trong hồ sơ gốc của liệt sĩ”.

Tương tự là trường hợp của liệt sĩ Lê Đình Đạo (quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội), được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Gia đình liệt sĩ đề nghị xác định họ tên, nguyên quán, đơn vị, nhưng cũng bị từ chối. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết đã có công văn gửi Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc đề nghị hướng dẫn thực hiện thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, Cục Người có công chưa có văn bản trả lời… Những ví dụ đó cho thấy hành trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ mà thông tin ghi trên mộ bị sai lệch so với hồ sơ gốc của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Một vấn đề nữa, đó là việc “trả lại tên cho các anh” bằng phương pháp thực chứng, hiện cũng gặp nhiều vướng mắc. Do chưa làm rõ khái niệm thực chứng, phương pháp, căn cứ, quy trình thực chứng, nên thực tế là có những liệt sĩ cùng đơn vị, cùng ngày hy sinh, nơi hy sinh, mộ thuộc tình trạng thiếu thông tin, sai thông tin như nhau, nhưng nơi thì được địa phương xác định hài cốt liệt sĩ, nơi lại không. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng không phối hợp trong việc cung cấp thông tin để làm căn cứ thực chứng, cũng như chưa rõ về trách nhiệm hợp nhất dữ liệu của giấy báo tử và trích lục hồ sơ quân nhân (ngày hy sinh, đơn vị hy sinh, họ tên liệt sĩ bị sai lệch)…

Cần sớm điều chỉnh quy định

Trước những bất cập trong quy định của pháp luật, Giám đốc Trung tâm MARIN Ngô Thị Thúy Hằng nhấn mạnh: Điều quan trọng là phải có sự điều chỉnh kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất sửa Điều 138 Nghị định 131 theo hướng xác định danh tính hài cốt không chỉ đối với liệt sĩ còn thiếu thông tin, mà cả liệt sĩ và bia ghi trên mộ bị sai thông tin, hoặc vừa sai vừa thiếu thông tin, hoặc chưa có thông tin.

Đáng chú ý, Trung tâm Tư vấn pháp lý và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ đã nhiều lần phản ánh những khó khăn nêu trên nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “Cục Người có công sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình sửa đổi Nghị định số 131/2021/NĐ-CP”. Thực trạng này có thể sớm được giải quyết khi mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8929/VPCP-KGVX ngày 15-11-2023 gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Trung tâm Tư vấn pháp lý và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ giải quyết vướng mắc, báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 30-11-2023.

Hiện nay, còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Theo thời gian, thông tin về các liệt sĩ ngày càng bị mai một. Vì cao tuổi, các cựu chiến binh nắm được thông tin về đồng đội lần lượt ra đi. Càng chậm chạp trong công tác này càng khó đối khớp thông tin. Vì vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội, cùng Đảng và Nhà nước thực hiện công tác tri ân liệt sĩ, để ngày càng có nhiều hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính, được đưa trở về quê nhà để các gia đình có điều kiện gần gũi, chăm sóc mộ phần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó trong công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.