(HNM) - Thời gian qua, từ việc điều hành linh hoạt của các đơn vị, công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại khu vực ngoại thành Hà Nội được duy trì hiệu quả. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường ở khu dân cư. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ để công tác thu gom rác thải không bị gián đoạn, bảo đảm môi trường trong lành, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Thu phí vệ sinh chỉ đạt 15-30% chỉ tiêu
Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Mê Linh Lê Ngọc Dần cho biết, năm 2021, đơn vị được huyện giao chỉ tiêu thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường hơn 7,7 tỷ đồng nhưng thực tế từ đầu năm đến nay, đơn vị mới thu được 1,9 tỷ đồng, đạt 24%. Nguyên nhân là chỉ tiêu huyện Mê Linh giao quá cao so với thực tế cần thu phí tại các thôn, xóm. Cụ thể, huyện căn cứ vào hộ khẩu để giao chỉ tiêu mà chưa rà soát số người đang thực sinh sống tại địa phương. Trong khi đó, còn có khoảng 13.000 trường hợp của huyện chây ỳ không đóng phí dịch vụ vệ sinh môi trường...
Là người trực tiếp thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường, bà Phó Thị Xuân, tổ thu gom rác xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cho biết: Nhiều người viện lý do gia đình có con nhỏ hoặc tự xử lý được rác nên không nộp tiền. Nhưng thực tế, họ thường tranh thủ trời tối đem vứt rác bừa bãi ra môi trường.
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai (đơn vị đảm nhiệm duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn 2 huyện Quốc Oai và Thạch Thất) Vũ Công Minh cho rằng, khu vực ngoại thành rộng, dân cư thưa, nhiều người đã phớt lờ trách nhiệm và nghĩa vụ, trong khi chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác thu phí vệ sinh môi trường của công ty tại địa bàn huyện Thạch Thất mới đạt khoảng 15% chỉ tiêu.
Bất cập tương tự cũng xảy ra tại các địa phương như: Ứng Hòa, Thanh Oai, Phúc Thọ, Hoài Đức… Theo báo cáo của các doanh nghiệp môi trường, tỷ lệ thu phí vệ sinh môi trường trong 8 tháng năm 2021 chỉ đạt 15-30% chỉ tiêu, khiến hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tháo gỡ từ cơ sở
Để tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Mê Linh Lê Ngọc Dần kiến nghị, UBND huyện Mê Linh chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá lại thực trạng thu phí theo thực tế doanh thu các năm trước và tình hình dịch Covid-19 để điều chỉnh dự toán giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không đóng phí vệ sinh môi trường và đổ rác không đúng nơi quy định.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh Phùng Đình Quý cho biết, sau đợt giãn cách xã hội, đơn vị sẽ phối hợp với xí nghiệp môi trường xuống từng xã rà soát lại số lượng nhân khẩu thực tế đang sinh sống tại địa phương để triển khai phương án thu phí. Mặt khác sẽ báo cáo UBND huyện điều chỉnh giảm mức giao khoán kinh phí dịch vụ vệ sinh môi trường năm 2021 cho doanh nghiệp và làm căn cứ để thực hiện trong những năm tiếp theo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thu phí vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, sau 6 tháng Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai không thể triển khai thu phí dịch vụ môi trường như kế hoạch, địa phương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm việc với chủ tịch UBND các xã, thị trấn tìm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, các xã, thị trấn chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố lập danh sách nhân khẩu đang sinh sống và triển khai thu phí theo biên lai của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai. Đối với các cơ sở kinh doanh, cơ quan, đơn vị…, huyện gửi công văn yêu cầu nộp phí vệ sinh môi trường theo quy định. Cách làm này bước đầu đã gỡ “nút thắt” về việc thu phí dịch vụ môi trường.
Ở góc độ cơ quan quản lý về môi trường, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, việc thu phí vệ sinh môi trường hiệu quả, sát thực tế sẽ giảm áp lực cho nguồn ngân sách địa phương, bảo đảm duy trì hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương nên hoạt động thu phí bị gián đoạn, thậm chí mất nguồn thu do các hộ dân gặp khó khăn, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải dừng hoạt động... Do đó, các địa phương cần tính toán lại khoản thu này cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, các huyện cần đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở, trong đó có việc hỗ trợ thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường. Có như vậy, các doanh nghiệp mới chuyên tâm hoạt động; công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt không bị gián đoạn, bảo đảm môi trường trong lành, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.