(HNM) - Những năm qua, nhằm cung cấp ngày càng nhiều thực phẩm sạch cho Thủ đô, thành phố đã quy hoạch các khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung. Mục tiêu hướng đến là tới năm 2015, giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 70% xuống 40%; đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 55% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Nuôi trồng thủy sản ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả cao.Ảnh: Bá Hoạt
Hiệu quả nhưng chưa bền vững
Hà Nội là địa phương có đàn gia súc, gia cầm (GSGC) lớn của cả nước gồm gần 200.000 con trâu, bò; 1,53 triệu con lợn và khoảng 18,2 triệu con gia cầm, sản lượng thịt hơi hằng năm đạt 225.566 tấn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có tiềm năng rất lớn trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) với diện tích mặt nước 30 nghìn hécta, đã đưa vào sử dụng 20 nghìn hécta, tập trung ở các huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Trì… Trong chiến lược phát triển chăn nuôi, Hà Nội luôn xác định quy hoạch các vùng, khu chăn nuôi tập trung để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hình thành vùng chuyên canh hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện Hà Nội đã xây dựng được 52 khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với tổng diện tích hơn 950ha ở các huyện, thị xã… Kết quả, năm 2011 giá trị chăn nuôi chiếm tỷ trọng 47,5% trong sản xuất nông nghiệp; tăng trưởng bình quân đạt 3,5-4%/năm, tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn.
Tuy nhiên, để chăn nuôi của Hà Nội phát triển tương xứng với tiềm năng vẫn còn không ít khó khăn. Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên cho biết, là địa phương có diện tích NTTS lớn, huyện đã chuyển đổi được 2.250ha ruộng trũng sang NTTS kết hợp với chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã Trung Tú, Phương Tú… Nhưng do nguồn nước ô nhiễm, nguồn vốn của nông dân còn hạn chế (trung bình để đầu tư một trang trại phải mất khoảng 300 triệu đồng)... nên không dễ mở rộng sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu chuyển đổi còn thiếu và yếu; thủy lợi nội đồng còn bố trí chung với hệ thống nước thải ở các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường; đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư nâng cấp, không thuận lợi cho vận chuyển tiêu thụ sản phẩm... Huyện Ba Vì có 1.800ha NTTS, tập trung ở các xã Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Cường... Nhưng việc phát triển NTTS còn chậm, sản lượng đạt thấp. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải, nhiều trang trại NTTS kết hợp đã có kết quả nhưng cũng phát sinh một số vấn đề cần giải quyết như đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu, công tác quản lý chất lượng con giống, phòng trị bệnh chưa được quan tâm. Nông dân NTTS theo kiểu tự phát, quảng canh dẫn đến năng suất thấp, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, hiệu quả và hệ số quay vòng thấp. Mặt khác, khi sản phẩm được giá nông dân lại ồ ạt chăn nuôi dẫn đến dư thừa sản phẩm, cung vượt quá cầu, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trong chăn nuôi chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mà chủ yếu thông qua thương lái nên người nuôi thường bị ép giá. Chất lượng con giống chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn nông dân chọn những giống vật nuôi chất lượng thấp, hiệu quả chăn nuôi không cao. Dịch bệnh trên đàn GSGC thường xuyên xảy ra cùng với những biến động của thị trường, nhất là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi đó giá bán sản phẩm bấp bênh khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, có lúc người nuôi thua lỗ nặng phải “treo” chuồng.
Giải pháp bứt phá
Để chăn nuôi phát triển bền vững, trong thời gian tới Hà Nội sẽ duy trì ổn định số lượng đầu GSGC như hiện nay nhưng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để tăng sản lượng. Bên cạnh đó, thành phố sẽ chú trọng đầu tư sản xuất con giống, phấn đấu cung cấp ra thị trường khoảng 6 triệu con giống/năm, phục vụ nhu cầu của nông dân trên địa bàn, đồng thời cung cấp cho các địa phương lân cận. Các khu NTTS tập trung quy mô lớn cũng sẽ được quy hoạch và đầu tư xây dựng nhằm nâng năng suất từ 2,5-3 tấn/ha lên 10-12 tấn/ha vào năm 2015, gắn NTTS tập trung với việc bảo vệ môi trường và du lịch sinh thái. Cụ thể, từ nay đến năm 2015 Hà Nội sẽ xây dựng 20 vùng NTTS tập trung với quy mô 3.300ha ở các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Đông Anh, Sóc Sơn… Hằng năm sẽ chuyển đổi từ 200-250ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS. Mục tiêu đến năm 2015 tổng diện tích NTTS của Hà Nội là 23.000ha, trong đó diện tích nuôi thâm canh là 2.500ha; bán thâm canh là 17.173ha; nuôi quảng canh chỉ còn 18ha.
Về chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011-2015, thành phố sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lợn cho 205 trang trại lớn ngoài khu dân cư với 362.000 con, chiếm 24,1% tổng đàn lợn của Hà Nội. Đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm cho 224 trang trại ngoài khu dân cư với 4,5 triệu con, chiếm 30% tổng đàn, xây dựng 15 xã chăn nuôi chuyên canh bò sữa với tổng đàn 14.850 con, 19 xã chăn nuôi bò thịt… Cùng với đó, Hà Nội sẽ quy hoạch hoàn chỉnh các vùng chăn nuôi, sản xuất tập trung xa khu dân cư; tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ.
Để khuyến khích chăn nuôi và NTTS phát triển đạt hiệu quả kinh tế cao theo mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ xuống còn 40%, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, các cơ quan chức năng đang trình HĐND TP cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2012-2016. Trong đó Hà Nội đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi toàn diện như sản xuất con giống, chuồng trại, vốn, tiêu thụ sản phẩm... Đối với sản xuất con giống, thành phố có cơ chế khuyến khích các hộ, các tổ chức chăn nuôi bảo tồn giống bản địa như lợn ỉn, gà Phù Lưu Tế (Mỹ Đức); vịt cỏ Vân Đình (Ứng Hòa)... Diện tích NTTS thâm canh được cấp con giống thủy sản nuôi thương phẩm lứa đầu và 50% giống thủy sản nuôi thương phẩm lứa hai. Hỗ trợ cho cơ sở, hộ chăn nuôi đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp chuồng trại theo quy mô lớn. Về vốn đầu tư, các trang trại sẽ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển. Mặt khác, để giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, Hà Nội sẽ xúc tiến xây dựng trung tâm giới thiệu nông sản chất lượng cao trên diện tích 30ha ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Cùng với đó, để hạn chế dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đầu tư xây dựng khu giết mổ, chế biến công nghiệp tập trung, xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường… và tăng cường thêm đội ngũ cán bộ thú y cơ sở.
Phát triển chăn nuôi tập trung, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, Hà Nội phấn đấu đáp ứng sản lượng thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào năm 2015. Để thực hiện thành công đề án "Phát triển chăn nuôi, NTTS" đòi hỏi các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo và các sở, ngành hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất, tăng nhanh giá trị thu nhập từ chăn nuôi và NTTS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.