Trước bất cập ngày càng lộ rõ trong việc tổ chức đấu giá đất, nhiều địa phương thuộc Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, Hà Đông chủ động tạm dừng các phiên đấu giá để xem xét giá khởi điểm, quy trình tổ chức.
Đây là bước đi cần thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, tránh tình trạng giá khởi điểm bất hợp lý, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản... song, cũng đang đặt ra bài toán cho công tác xác định giá khởi điểm đấu giá đất ở các địa phương sao cho phù hợp.
Thấp tạm dừng, cao tiếp tục đấu!
Dưới áp lực từ tranh cãi gay gắt gần đây về đấu giá đất ở một số địa phương, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia quyết định tạm hoãn phiên đấu giá quyền sử dụng đất của 27 thửa đất tại quận Hà Đông. Các khu đất này thuộc các phường: Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội, có giá khởi điểm từ 22,9 triệu đồng/m2, dự kiến đấu giá vào ngày 7-9-2024. Việc tạm dừng này xuất phát từ yêu cầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông và sẽ được tổ chức lại sau khi có hướng dẫn từ cơ quan chức năng.
Tương tự, tại Hoài Đức, phiên đấu giá 20 thửa đất ở xã Tiền Yên cũng bị tạm hoãn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng. Lần đấu giá trước đó, giá trúng cao nhất cho các thửa đất cùng khu vực tạm hoãn đã đạt tới 133,3 triệu đồng/m2, gây nhiều tranh cãi trong dư luận về sự minh bạch của giá khởi điểm. Những động thái này nhằm bảo đảm sự hợp lý và minh bạch, tránh hệ lụy cho địa phương.
Tuy nhiên, một số địa phương khác như: Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ba Vì vẫn tiếp tục các phiên đấu giá. Tại Phú Xuyên, trong tháng 9 tới đây, 73 lô đất tại khu Đồng Dưới, xã Phú Yên với giá khởi điểm từ 22 triệu đồng/m2 đến hơn 40 triệu đồng/m2... sẽ được đưa ra đấu giá.
Tại huyện Ba Vì, Công ty Đấu giá Hợp danh Nhất An Phú vừa thông báo đấu giá 19 thửa đất tại khu Châu Hùm, xã Đồng Thái, giá khởi điểm từ 22,3 đến 46,3 triệu đồng/m2.
Dù giá khởi điểm được cho là sát thị trường nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút người tham gia. Ông Đỗ Thành Công - Giám đốc Trung tâm Quỹ đất huyện Phú Xuyên cho biết: "Công tác đấu giá đất tại địa phương được thực hiện rất cẩn trọng. Mục tiêu của chúng tôi là xác định giá đất sao cho hợp lý với thị trường, vừa thu hút được nhà đầu tư, vừa bảo đảm không xảy ra tình trạng thổi giá, đầu cơ"...
Giải bài toán khó về định giá đất
Việc xác định giá khởi điểm trong các phiên đấu giá đất đang là vấn đề gây đau đầu cho các địa phương. Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi trong phương pháp xác định giá khởi điểm.
"Trước đây, giá khởi điểm được xác định dựa trên các đơn vị tư vấn, nhưng từ tháng 2-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12, loại bỏ quy định cho thuê tư vấn và chuyển sang xác định giá khởi điểm bằng hệ số K nhân với bảng giá đất của thành phố. Tuy nhiên, bảng giá đất hiện hành chưa được cập nhật phù hợp biến động thị trường nên giá khởi điểm ở một số khu vực không phản ánh đúng giá trị thực tế", ông Võ nhận định.
Bài toán giá khởi điểm vừa phải hợp lý, lại vừa hấp dẫn đang khiến các địa phương đau đầu tìm lời giải. Ông Nguyễn Công Quyết, nhà đầu tư tại huyện Ba Vì chia sẻ: Việc giá khởi điểm không sát với thị trường khiến nhiều phiên đấu giá trở nên kém hấp dẫn. Ở những khu vực giá khởi điểm quá cao, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng sinh lời trước khi quyết định tham gia. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều phiên đấu giá bị ế ẩm hoặc giá trúng không đạt như kỳ vọng.
Dù xa trung tâm Hà Nội nhưng giá khởi điểm cho phiên đấu giá đất tại xã Đồng Thái (huyện Ba Vì) trong tháng 9 tới đây, theo nhiều nhà đầu tư vẫn ở mức khá cao. Ông Lê Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cho biết: Phương pháp định giá hiện tại của các đơn vị tư vấn đang cao hơn mặt bằng chung khiến công tác đấu giá đất trở nên phức tạp. Điều này cho thấy nhiều địa phương chưa thực sự bắt nhịp diễn biến thị trường. Trong khi các phiên đấu giá đất tại nhiều địa phương có giá diễn biến cao thì tại huyện Ba Vì đã qua 3 lần đấu giá tại khu vực Châu Hùm, xã Đồng Thái vẫn chưa thành công. Phiên đấu giá lần này là lần thứ 4.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực nhưng bảng giá đất mới chưa được ban hành, việc các địa phương tạm dừng đấu giá đất để điều chỉnh phương thức định giá là động thái hợp lý. Việc này không chỉ giúp ổn định thị trường bất động sản, mà còn ngăn chặn hành vi trục lợi từ các phiên đấu giá đất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh đề xuất các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, đồng thời, các địa phương cần áp dụng thống nhất quy định về xác định giá khởi điểm, tránh tình trạng nơi quá lỏng, nơi quá chặt như hiện nay.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đấu giá đất là công cụ quản lý đất đai hiệu quả, giúp Nhà nước tái phân bổ đất đai, đồng thời kiểm soát và sử dụng tài nguyên đất một cách bền vững. Ông Thọ nhấn mạnh: Thông qua đấu giá đất, Nhà nước có thể bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong việc tiếp cận đất đai, đồng thời ổn định giá trị thị trường đất đai, tránh tình trạng "bong bóng" bất động sản. Ông Thọ đề xuất cần có quy định pháp lý rõ ràng, quy trình minh bạch và cơ chế giám sát chặt chẽ để hạn chế tác động tiêu cực trong công tác đấu giá đất.
Hy vọng, qua những phiên đấu giá đất vừa qua cùng sự chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, công tác đấu giá đất sẽ được điều chỉnh hợp lý, góp phần làm lành mạnh thị trường bất động sản và ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.